Hàn Quốc bỏ lỡ chiến lược ngoại giao cường quốc tầm trung?

Thiếu vắng chiến lược ngoại giao cường quốc tầm trung, thực tế Hàn Quốc đã khiến chính sách đối ngoại của mình bị lệ thuộc vào những thay đổi bất thường của Triều Tiên và Mỹ.
Hàn Quốc bỏ lỡ chiến lược ngoại giao cường quốc tầm trung? ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Sputnik International)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, với những chiến dịch mà chính phủ theo đuổi, ngày càng có nhiều học giả và trong truyền thông cho rằng Hàn Quốc là một cường quốc tầm trung.

Tuy nhiên, khi phân tích một cách sâu sắc những thiếu sót trong chính sách đối ngoại hiện hành của Hàn Quốc, đặc biệt là trong những nỗ lực của Seoul nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, người ta có thể sẽ có một nhận định hoàn toàn trái ngược.

Dễ hiểu rằng trong giai đoạn 2017-2018, Hàn Quốc buộc phải theo đuổi một chính sách ngoại giao khủng hoảng trước mối đe dọa hiện hữu về nguy cơ bùng phát xung đột bất cứ lúc nào với những màn khẩu chiến nảy lửa giữa lãnh đạo Mỹ-Triều.

Vấn đề này đòi hỏi những quyết định được đưa ra ở cấp cao, phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác và đồng minh, những tín hiệu ban đầu rõ ràng, và cả những kỳ vọng giới hạn về thành quả và tâm lý sẵn sàng thỏa hiệp. Chính sách ngoại giao khủng hoảng của Hàn Quốc đã rất thành công và góp phần kiềm chế Mỹ cùng Triều Tiên giảm bớt những tính toán sai lầm và nguy cơ nảy sinh xung đột.

Tuy nhiên, hiệu quả của ngoại giao khủng hoảng bị hạn chế bởi thời gian và không đủ để đem đến những gì cần thiết nhằm giải quyết tận gốc rễ căng thẳng.

Xét theo định nghĩa về một cường quốc tầm trung dựa trên hành vi, Hàn Quốc sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao tầm trung đặc trưng ngay sau chiến lược ngoại giao khủng hoảng. Cụ thể là khi các căng thẳng về an ninh giảm bớt, quốc gia này sẽ triển khai những sáng kiến của một cường quốc tầm trung.

Hàn Quốc có thể chủ động tăng cường ảnh hưởng trong đàm phán bằng việc phối hợp với các cường quốc tầm trung khác (xây dựng liên minh) và vận dụng các công cụ ngoại giao sáng tạo, chủ động để đảm bảo các mục tiêu.

Seoul cũng có thể tận dụng các công cụ vốn đem lại cho các cường quốc tầm trung lợi thế tương ứng và tăng cường nỗ lực với tư cách một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

[Hàn Quốc nêu điều kiện nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên]

Thiếu vắng chiến lược ngoại giao cường quốc tầm trung, thực tế Hàn Quốc đã khiến chính sách đối ngoại của mình bị lệ thuộc vào những thay đổi bất thường của Triều Tiên và Mỹ, một bên khó lường và một bên cực kỳ bảo thủ (trong thực tế những nhận định này có thể đúng với cả hai). Hàn Quốc không có bất kỳ ảnh hưởng nào trong đàm phán với cả Washington và Bình Nhưỡng, cũng như không có khả năng kiềm chế hai đối tác này.

Những thông tin mà truyền thông phương Tây đăng tải về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore và Hà Nội đều phản ánh thực tế đó. Đối với hầu hết độc giả, những nhân tố chính trong các sự kiện này chỉ là Mỹ, Triều Tiên và nước chủ nhà, trong khi Hàn Quốc gần như là một cái tên "bị lãng quên."

Hàn Quốc không có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với các thỏa thuận trong tương lai, với các thể chế hay những công cụ được người ta vận dụng. Điều này có nghĩa chính sách ngoại giao hiện thời, chủ yếu dựa vào các cuộc gặp cấp cao, gần như đã kìm hãm sự linh hoạt của Seoul. Thực tế là mọi thành quả đã đạt được đều có thể nhanh chóng đổ bể với thay đổi trong chính quyền tại Mỹ hoặc Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên có thể vừa duy trì được các mục tiêu trung hạn nhằm giảm bớt các hạn chế về hoạt động kinh tế mà không làm ảnh hưởng tới mục tiêu dài hạn là bảo toàn năng lực răn đe hạt nhân đối với sự can thiệp của bên ngoài. Thất bại sẽ lại bị đổ lỗi cho các chính sách thay đổi của đối phương và trò chơi lại trở về vạch xuất phát.

Có một số lý do giải thích tại sao Hàn Quốc không thể sử dụng chiến thuật ngoại giao cường quốc tầm trung trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Việc định hình chính sách đối ngoại ở Hàn Quốc diễn ra theo một trình tự chặt chẽ. Đội ngũ cố vấn đưa ra các ý tưởng và sáng kiến, sau đó những nội dung này được trình Bộ Ngoại giao thực hiện. Hiếm khi chính cơ quan phụ trách ngoại giao chịu trách nhiệm xây dựng các sáng kiến ấy. Điều này có nghĩa nếu nhóm cố vấn chính sách đối ngoại thân cận của tổng thống là những “tín đồ” của ngoại giao cường quốc tầm trung thì những ý tưởng sẽ được hình thành theo hướng đó, còn nếu mối quan tâm của họ nằm ở các lĩnh vực khác thì xu hướng ngoại giao cường quốc tầm trung có thể sẽ bị phớt lờ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về cơ bản là một cơ quan khá bảo thủ, phân cấp chặt chẽ và khó tiếp nhận những cải cách, sáng tạo. Điều này khiến họ khó cởi mở và tương tác với những nhân tố chính sách đối ngoại phi truyền thống.

Khái niệm “ngoại giao cường quốc tầm trung” khá phổ biến tại Hàn Quốc song người ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ về nội dung cũng như cách vận hành của nó. Chủ nghĩa hiện thực vẫn là căn cứ chính để đánh giá về các mối quan hệ quốc tế và cuộc cạnh tranh giữa cường quốc vẫn là vấn đề chi phối hàng đầu. Các trường đào tạo về nghiên cứu quốc tế đưa các nội dung liên quan tới các cường quốc tầm trung hay chính sách đối ngoại của Australia, Canada vào giảng dạy.

Hàn Quốc vẫn chưa biết cách vận dụng ngoại giao cường quốc tầm trung. Seoul đã khởi động với cái gọi là ngoại giao khủng hoảng song không thể điều khiển những gì diễn ra sau đó. Nếu không có ngoại giao cường quốc tầm trung, cỗ xe này cuối cùng sẽ lại chịu chung số phận với những nỗ lực từng thất bại trước đây trong việc xử lý các vấn đề Triều Tiên, hoặc thậm chí là một kết cục tồi tệ hơn.

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in có thể đã theo đuổi một cách tiếp cận mới với Triều Tiên nhưng đó không phải là chiến lược ngoại giao cường quốc tầm trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục