Hàn Quốc hỗ trợ 500 tỷ đồng cho nông dân ĐBSCL

Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ 500 tỷ đồng theo diện ODA không hoàn lại, nhằm đầu tư máy móc nông nghiệp tiên tiến cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hàn Quốc hỗ trợ 500 tỷ đồng cho nông dân ĐBSCL ảnh 1Máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng tỉnh An Giang. (Ảnh: Văn Khánh/TTXVN)

Ngày 6/5, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã làm việc với đại diện Hiệp hội Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc Kamico (Korea Agricultural Machinery Industry Coorperative) về Dự án cơ giới hóa nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ 500 tỷ đồng theo diện ODA không hoàn lại, nhằm đầu tư máy móc nông nghiệp tiên tiến cho nông dân, phục vụ mục đích cơ giới hóa nông nghiệp.

Tổng vốn 500 tỷ đồng của dự án sẽ được phân bổ theo tỷ lệ: 60% dành mua và vận chuyển các loại máy nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc, máy gieo hạt...theo công nghệ hiện đại nhất mới sản xuất tại Hàn Quốc về Việt Nam; 40% còn lại sẽ được sử dụng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, Kamico còn cam kết sẽ đầu tư từ 1.000 đến 1.400 tỷ đồng cho công tác xây dựng nhà xưởng, các cơ sở vật chất ban đầu.

Các máy móc được vận chuyển về Việt Nam, sau một thời gian nông dân sử dụng, sẽ được các chuyên gia Hàn Quốc tổng kết và đánh giá hiệu quả. Trên cơ sở đó sẽ sản xuất dòng máy mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế cho bà con nông dân.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, đánh giá: Dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Phía địa phương, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận với máy móc hiện đại, từ đó đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa nông nghiệp; giảm thiểu sức lao động, giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển; tăng năng suất, tăng giá thành thành phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có thêm một thị trường đầy tiềm năng để hợp tác trên lĩnh vực cung cấp máy móc phục vụ nông nghiệp vì Việt Nam tuy là một nước nông nghiệp nhưng máy móc phục vụ nông nghiệp còn quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện trên địa bàn có hơn 70% máy móc xuất xứ từ Trung Quốc được nông dân sử dụng.

Nếu các doanh nghiệp Hàn Quốc cung cấp được máy chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh và phù hợp với thực địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì Việt Nam sẽ là một thị trường lý tưởng để hợp tác kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục