Hàn Quốc: Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tháng thứ 18 liên tiếp

Tháng Tư vừa qua đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp xuất khẩu của nước này tăng so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là tháng thứ 14 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số.
Hàn Quốc: Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tháng thứ 18 liên tiếp ảnh 1Cảng hàng hóa ở Busan của Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 4/2022 đã tăng 12,6% so với một năm trước đó, nhờ nhu cầu tăng nhanh đối với mặt hàng đồ ăn vặt và các chế phẩm dầu mỏ. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của nước này vẫn gia tăng do giá năng lượng toàn cầu leo thang.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 57,69 tỷ USD trong tháng Tư vừa qua, tăng từ mức tương ứng 51,23 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là tháng Tư mà Hàn Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ khi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan vào năm 1956. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 4/2021.

Tháng Tư vừa qua đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp xuất khẩu của nước này tăng so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là tháng thứ 14 liên tiếp  kim ngạch xuất khẩu Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số.

Kim ngạch xuất khẩu lũy kế trong bốn tháng đầu năm nay của Hàn Quốc đạt 230,6 tỷ USD. Theo Bộ này, đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm của Hàn Quốc vượt qua mốc 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá năng lượng toàn cầu cao cũng đã đẩy nhập khẩu của nước này tăng vọt vào tháng trước, khiến nước này ở trong tình trạng nhập siêu tháng thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng Tư vừa qua tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 60,35 tỷ USD, kéo thâm hụt thương mại của nước này lên tới 2,66 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức thâm hụt 140 triệu USD của tháng trước.

Dầu thô Dubai, loại dầu được lấy làm tiêu chuẩn của Hàn Quốc, đã tăng trung bình lên 102,82 USD/thùng trong tháng 4/2022, từ mức 62,92 USD/thùng của một năm trước đó.

Hầu hết nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc đang phụ thuộc vào nhập khẩu và kim ngạch nhập khẩu năng lượng của nước này trong tháng Tư đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,81 tỷ USD, do giá dầu thế giới tăng mạnh.

[IMF: Hàn Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu trong 2022]

Trong khi đó, nhu cầu ở nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc cũng đã tăng trở lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong tháng Tư vừa qua tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,82 tỷ USD, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 22 liên tiếp.

Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của nước này cũng tăng 68,8% lên 4,96 tỷ USD trong tháng trước, và xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu tăng 6,8% lên 4,98 tỷ USD.

Các sản phẩm thép của Hàn Quốc cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể (21,1%) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,37 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu án ôtô tăng 6,1%, lên 4,4 tỷ USD.

Các lĩnh vực máy tính và sinh học lần lượt có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 56,4% và 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, xuất khẩu phụ tùng ô tô giảm 4,8% so với cùng kỳ xuống 1,94 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu tàu biển giảm 16,6%, xuống 1,02 tỷ USD.

Tính theo quốc gia, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng 26,4% trong tháng Tư, lên 9,55 tỷ USD, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 20 liên tiếp. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt tăng 37,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,17 tỷ USD và 5,54 tỷ USD.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 12,94 tỷ USD, chủ yếu do việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn do sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Sung-wook cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc vững chắc bất chấp những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, chẳng hạn như cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và sự phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc do đại dịch.”

Ông Moon bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát toàn cầu, chuỗi cung ứng không ổn định và những dự báo ảm đạm về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là rủi ro đối với nền kinh tế “xứ sở kim chi,” đồng thời cam kết hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu, cũng như nỗ lực cải cách cơ cấu thương mại của Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục