Hàn Quốc, Nhật Bản lập nhóm tham vấn để giảm căng thẳng

Các lãnh đạo chính trị và kinh tế kỳ cựu của Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thành lập một nhóm tham vấn phi chính phủ trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ căng thẳng giữa 2 nước.
Hàn Quốc, Nhật Bản lập nhóm tham vấn để giảm căng thẳng ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yong gặp người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki (trái) tại Seoul, tháng 3/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn thạo tin ngày 12/3 cho biết các lãnh đạo chính trị và kinh tế kỳ cựu của Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thành lập một nhóm tham vấn phi chính phủ trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ căng thẳng giữa 2 nước.

Để triển khai nỗ lực này, một phái đoàn Hàn Quốc do cựu Thủ tướng Lee Hong Koo đứng đầu dự kiến thăm Tokyo vào ngày 22/3 tới để tham dự một cuộc họp kéo dài 2 ngày với phái đoàn Nhật Bản do cựu Thủ tướng Yoshiro Mori đứng đầu.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang Il cho biết bộ này "đánh giá cao nỗ lực của những nhân vật thuộc khu vực tư nhân" trong bối cảnh năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương.

Ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vào đầu tuần tới, nước này và Nhật Bản sẽ tiến hành đàm phán về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Deok sẽ gặp Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara vào ngày 16/3 tại Seoul, trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 7 về vấn đề "phụ nữ mua vui."

Ông Lee Sang Deok và ông Junichi Ihara đã tiến hành 6 vòng đàm phán kể từ tháng 4/2014 về vấn đề "phụ nữ mua vui", gần đây nhất là ngày 19/1 vừa qua, nhưng không đạt tiến triển. Hàn Quốc đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản giải quyết vấn đề này theo cách chấp nhận được đối với các nạn nhân còn sống, nghĩa là phải đưa ra lời xin lỗi và bồi thường. Tuy nhiên Nhật Bản khẳng định rằng tất cả các vấn đề liên quan đến bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ hai nước.

Quan hệ Seoul - Tokyo đã giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây do tranh chấp lãnh thổ và quan điểm lịch sử trái ngược nhau về thời kỳ Nhật Bản cai trị thực dân trên Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945, trong đó có vấn đề nô lệ tình dục.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chưa có cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương chính thức nào kể từ khi hai nhà lãnh đạo này lên nắm quyền - Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức năm 2013 và Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục