Hàn Quốc: Phản ứng trái chiều về thành phần nội các đề cử

Trong chính trị Hàn Quốc, khi lựa chọn các quan chức cấp cao của chính phủ, yếu tố quê hương của ứng cử viên thường được cân nhắc nên các tổng thống thường lựa chọn ứng cử viên từ nhiều vùng.
Hàn Quốc: Phản ứng trái chiều về thành phần nội các đề cử ảnh 1Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo nhận định của tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc), mặc dù Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã chọn những ứng cử viên nội các mới dựa trên năng lực và chuyên môn của họ, song ông vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích vì "không thể hiện sự đa dạng hơn về giới tính, nơi sinh và độ tuổi trong thành phần nội các."

[Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kiện toàn Nội các]

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 10/4 đã công bố danh sách ứng cử viên bộ trưởng đầu tiên như sau:

- Nghị sỹ Choo Kyung-ho của đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP), người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) và Chánh Văn phòng điều phối Nhà nước, làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng MOEF.

- Cựu Tỉnh trưởng Jeju Won Hee-ryong, người đi đầu trong việc chỉ ra những nghi ngờ về quá trình phát triển phường Daejang, thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi) trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, giữ chức Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông (MOLIT).

Ông Won được biết đến là người hiểu biết sâu rộng về chính sách bất động sản - một lĩnh vực dân sinh trọng tâm cần được khôi phục sự công bằng.

- Thay vì xóa bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) như cam kết tranh cử, ông Yoon đã bổ nhiệm bà Kim Hyun-sook, Giáo sư khoa Kinh tế thuộc trường Đại học Soongsil, giữ chức Bộ trưởng.

- Tổng thống đắc cử Yoon cũng chỉ định Giáo sư Lee Chang-yang, làm việc tại Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) kiêm cựu Giám đốc không điều hành của ba doanh nghiệp, trong đó có SK Hynix - giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE).

- Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) Lee Jong-sup được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng (MND).

- Cựu Tổng biên tập của nhật báo JoongAng (Hàn Quốc) Park Bo-gyoon được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MCST).

- Ông Chung Ho-young, cựu Giám đốc bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook, được đề cử làm Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi (MOHW).

- Ông Lee Jong-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu Chíp bán dẫn của trường Đại học Quốc gia Seoul được đề cử làm Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông (MSIT).

Lý giải về việc tiến cử ông Choo Kyung-ho, Tổng thống đắc cử Yoon cho biết nhân vật này dày dạn kinh nghiệm ở cả chuyên môn lẫn năng lực chính trị, nhiều kinh nghiệm về kinh tế khi đảm nhận vai trò Thứ trưởng MOEF. Được đánh giá cao về năng lực lập kế hoạch và điều phối các vấn đề của quốc gia, ông Choo Kyung-ho được kỳ vọng có thể giúp xây dựng nền kinh tế Hàn Quốc có bước nhảy vọt, trở thành cầu nối trao đổi giữa chính phủ và quốc hội một cách thuận lợi.

Theo các trợ lý của ông Yoon Suk-yeol, độ tuổi trung bình của 8 ứng cử viên được đề cử ở trên là 60,5 tuổi (với ba người ở độ tuổi 50 và năm người ở độ tuổi 60) và chỉ có một nữ duy nhất (ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng MOGEF).

Ngoài ra, có 4 người sinh ra ở tỉnh Gyeongsang và một người sinh ra ở Daegu (2 khu vực là thành trì bảo thủ truyền thống) và không có ai đến từ các tỉnh Jeolla (một thành trì tự do) được chọn. Ba ứng cử viên còn lại đến từ Seoul, Jeju và tỉnh Bắc Chungcheong.

Trong chính trị Hàn Quốc, khi lựa chọn các quan chức cấp cao của chính phủ, yếu tố quê hương của ứng cử viên thường được cân nhắc nên các tổng thống thường lựa chọn ứng cử viên từ nhiều vùng khác nhau của đất nước để tìm kiếm sự cân bằng giữa các khu vực.

Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol dường như không tính đến vấn đề này khi nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và năng lực. Ông Yoon Suk-yeol nói: “Tôi không tính đến quê quán hay giới tính của những người được đề cử. Tôi tin rằng các tiêu chuẩn để lựa chọn và sàng lọc các quan chức cấp cao nên được nhìn nhận theo quan điểm của công chúng.”

Liên quan đến vấn đề này, nhật báo The Hankyoreh số ra ngày 11/4 cũng nhấn mạnh rằng trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ bổ nhiệm những người trẻ tuổi làm bộ trưởng và khẳng định: “Sẽ có rất nhiều bộ trưởng ở độ tuổi 30 trong chính phủ nền tảng kỹ thuật số mà tôi đang hình dung,” đồng thời ông nói thêm rằng “tôi sẽ đưa rất nhiều người trẻ tham gia công việc của chính phủ nếu tôi đảm nhận trọng trách và tôi sẽ tìm cách thu phục những người thuộc thế hệ Millennials (sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2000)”.

Trong số những người được ông Yoon Suk-yeol đề cử, việc cựu Thống đốc tỉnh Jeju Won Hee-ryong được đề cử làm Bộ trưởng MOLIT là tương đối bất ngờ vì trước đó từng có tin đồn rằng ông này sẽ giữ chức Chánh văn phòng tổng thống và sự nghiệp của ông có phần xa rời các chính sách về bất động sản hoặc vận tải.

Ông vốn là một cựu Công tố viên và một nhà lập pháp 3 nhiệm kỳ, được bầu làm Thống đốc Jeju vào năm 2014 và phục vụ 2 nhiệm kỳ cho đến khi tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ ứng cử viên tổng thống của đảng Nhân dân (PPP) đối lập vào năm 2021.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cho biết ông Won Hee-ryong đã đưa ra "các chính sách phát triển đất đai và bất động sản sáng tạo" trong nhiệm kỳ thống đốc Jeju, đồng thời đề xuất các ý tưởng chính sách mới như mạng lưới tàu tốc hành mới xung quanh Seoul trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Việc đề cử Won được hiểu là ý định của chính quyền Yoon Suk-yeol muốn bổ nhiệm một bộ trưởng với đòn bẩy chính trị để tạo động lực mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề bất động sản của đất nước.

Giá căn hộ tăng vọt ở Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi) cũng như sự mất cân bằng trên thị trường bất động sản ở thủ đô và các khu vực khác là những nguyên nhân chính khiến chính quyền Moon Jae-in thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Koh Yong-jin, người phát ngôn cấp cao của DP được tờ The Hankyoreh trích dẫn nói thêm rằng “việc lựa chọn Won Hee-ryong phải được hiểu là phần thưởng cho việc dàn xếp một công việc gây ảnh hưởng chính trị và thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.”

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh đến chuyên môn và năng lực của những người được đề cử vào vị trí bộ trưởng mà không xem xét đến giới tính, quê quán, tuổi tác và nền tảng học vấn của họ, trái ngược hoàn toàn với các chính phủ trước đây tập trung vào các yếu tố như vậy trong việc chỉ định các thành viên nội các.

Ông Yoon Suk-yeol dường như đánh giá cao năng lực của các ứng cử viên bộ trưởng hơn các bằng cấp khác vì nhu cầu cấp bách phải đối phó với những thách thức khó khăn như đại dịch COVID-19, các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng và sự suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.

Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol lẽ ra nên chú ý hơn đến các yếu tố khu vực và giới tính để hình thành một nội các cân bằng nhằm thúc đẩy đoàn kết dân tộc.

Trong số 8 ứng cử viên được đề cử cấp bộ, 5 người đến từ các tỉnh phía Đông Nam Gyeongsang mà không có bất kỳ ứng cử viên nào từ các tỉnh phía Tây Nam Jeolla, ngoại trừ ứng cử viên Thủ tướng Han Duck-soo, người đến từ tỉnh Bắc Jeolla.

Nghị sỹ Park Hong-keun, lãnh đạo mới của đảng Dân chủ Hàn Quốc, (DP) đã chỉ trích Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol vì đã đưa ra các đề cử trong nội các theo kiểu thiếu tiêu chuẩn, nguyên tắc và triết lý, và việc lựa chọn nhân sự dường như chỉ để "thưởng công" cho những người đã giúp ông Yoon Suk-yeol giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Trước đó, dư luận Hàn Quốc cũng đã dấy lên những chỉ trích về việc đề cử ông Han Duck-soo (73 tuổi) làm thủ tướng, người được mệnh danh là “ông già” và không đủ tư cách lãnh đạo một “chính phủ nền tảng kỹ thuật số.”

Để bù đắp những đánh giá thấp như vậy về ông Han, các thành viên nội các mới nên được chọn trong số các chuyên gia mà có thể thổi "luồng gió" mới vào chính quyền.

Tuy nhiên, độ tuổi trung bình của những người được đề cử là 60,5 và hầu hết trong số họ là nam giới và tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul. Điều này cho thấy sự thiếu đa dạng về thành phần.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết tập trung vào khả năng của một ứng cử viên trong việc chọn thành viên nội các, song ông Won lại là đối tượng của sự hoài nghi do bị cáo buộc thiếu chuyên môn trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Hankyoreh, Giám đốc Gyeong-yeong của Viện nghiên cứu Zeitgeist Eom nói: “Tôi không thể thấy bất kỳ điều gì tương ứng với các giá trị của 'thống nhất' hoặc 'chính phủ liên hợp' mà ông Yoon Suk-yeol đã tuyên bố ngay sau khi đắc cử. Không có gì ấn tượng về những đề cử này.”

Đảng Công lý thiểu số ngày 10/4 vừa qua cũng đã lên tiếng công kích các lựa chọn này của ông Yoon Suk-yeol.

Trong một tuyên bố báo chí được tờ The Hankyoreh đăng tải, phát ngôn viên Jang Tae-soo đã nhấn mạnh: “Ủy ban chuyển tiếp đã có nhiều nam sinh viên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul ở độ tuổi 50, trong đó phụ nữ chỉ có đại diện trong tổng số 27 thành viên. Và bây giờ chúng ta đang có được một nội các chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 60 và chủ yếu đến từ tỉnh Gyeongsang.”

Trong khi đó, người phát ngôn cấp cao của DP lưu ý thêm: “Giá trị tối cao mà tổng thống nên theo đuổi là đoàn kết dân tộc. Có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy ông Yoon Suk-yeol nhầm lẫn giữa ‘sự cân bằng’ và ‘sự hòa hợp’ như một cơ hội để phân chia chiến lợi phẩm.”

Tờ The Korea Times kết luận rằng các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Yoon Suk-yeol cần điều chỉnh các lợi ích xung đột giữa các khu vực, thế hệ, giới tính và các nhóm đa dạng khác nhau trong xã hội Hàn Quốc.

Đó là lý do tại sao tổng thống đắc cử nên nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết dân tộc bằng cách thiết lập quan hệ hợp tác với các lực lượng đối lập, bao gồm cả đảng Dân chủ (DP).

Nói cách khác, ông Yoon Suk-yeol phải tăng cường sự đa dạng trong chính quyền của mình bằng cách huy động những nhân vật có trình độ, bao gồm cả nam và nữ thanh niên với nhiều hồ sơ và lý lịch chuyên nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục