Hàn Quốc-Mỹ cam kết theo đuổi giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên

Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc và Mỹ đã tái khẳng định rằng hai bên đang tìm cách giải quyết “hòa bình” vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Hàn Quốc-Mỹ cam kết theo đuổi giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 5/5/2016. (Nguồn: 38 North/TTXVN)

Ngày 17/11, Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc và Mỹ đã tái khẳng định rằng hai bên đang tìm cách giải quyết “hòa bình” vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời cam kết duy trì nỗ lực chung gây sức ép khiến Bình Nhưỡng phải đàm phán về việc phi hạt nhân hóa.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp trên đảo Jeju của Hàn Quốc, Đặc phái viên hạt nhân Mỹ Joseph Yun cho biết tổng thống hai nước đều mong muốn tìm ra một cách giải quyết hòa bình đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Theo ông Yun, tại cuộc gặp giữa ông và đặc phái viên Hàn Quốc, hai bên đã thảo luận và nhất trí rằng các nỗ lực gây sức ép phải là một yếu tố trọng tâm. Ông Yun cũng khẳng định chính sách chung của Seoul và Washington đối với Bình Nhưỡng là phải đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên và tập hợp sự ủng hộ của thế giới đối với việc gây sức ép với Bình Nhưỡng.

[Hàn Quốc không phát hiện hoạt động bất thường ở biên giới liên Triều]

Về phần mình, Đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon nhấn mạnh ý nghĩa của việc Trung Quốc cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng và nói rõ Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ kết quả của chuyến thăm. Hai quan chức trên không đề cập nhiều việc Triều Tiên không có hành động nào làm gia tăng căng thẳng trong hơn 2 tháng qua mà chỉ cho biết chưa xác định được ý định thực sự của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn bài xã luận đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17/11 tuyên bố vấn đề hạt nhân liên quan đến lợi ích quốc gia cũng như an ninh của người dân nước này và không bao giờ được đặt lên bàn đàm phán.

Các nhà phân tích nhận định bài xã luận được đăng tải ngay trước thềm chuyến thăm Triều Tiên cùng ngày của ông Tống Đào, Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là sự bác bỏ đối với lời kêu gọi mà đặc phái viên này có thể đưa ra trong chuyến thăm nhằm hối thúc Triều Tiên ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Chuyến thăm diễn ra sau cuộc gặp thượng định giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh một tuần trước đó, trong đó ông Trump kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Liên quan vấn đề trên, mạng "38 North" chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hokins của Mỹ, có trụ sở tại Washington, ngày 16/11 đưa tin những hình ảnh vệ tinh chụp một xưởng đóng tàu của Hải quân Triều Tiên trong tháng này cho thấy dấu hiệu Bình Nhưỡng đang theo đuổi một "kế hoạch gấp rút" đóng một tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên.

Những hình ảnh chụp ngày 5/11 các hoạt động tại xưởng đóng tàu Nam Sinpo của Triều Tiên, trong đó xuất hiện các vật thể có thể là các bộ phận của thân tàu ngầm, có khả năng là tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp SINPO-C, thế hệ tiếp theo của tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo thử nghiệm lớp SINPO.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết không có hoạt động nào cho thấy sự chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục