Hàng không Việt Nam với cơ hội phục hồi qua đại dịch COVID-19

Ngành hàng không Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi dần khi tần suất các chuyến bay nội địa và quốc tế đang dần tăng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hàng không Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc khi tần suất các đường bay nội địa và quốc tế dần tăng lên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hàng không Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc khi tần suất các đường bay nội địa và quốc tế dần tăng lên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với việc nhiều đường bay quốc tế thường lệ đến các nước được mở lại, các đường bay nội địa liên tục tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, hàng không Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi dần sau thời gian bị dịch COVID-19 “càn quét”.

Nhu cầu khách bay ngày càng tăng

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 29/12/2021 đến ngày 10/1/2022 cho thấy các hãng hàng không Việt Nam khai thác 4.480 chuyến bay, vận chuyển hơn 547.000 khách với hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 64%.

Đặc biệt, nhu cầu hành khách đi trên đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn này tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.

Cụ thể, đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, các hãng khai thác tổng tần suất 25 chuyến bay khứ hồi/ngày, với hệ số sử dụng ghế đạt 73%. Đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế trên các đường này đều đạt trên 70% (tháng 12/2021 chỉ đạt khoảng 50-60%).

Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tăng trở lại, trái ngược so với dự đoán trước đó của các hãng hàng không.

Đặc biệt, chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh của Vietjet đạt 91% vào ngày 18/1/2022 và Vietnam Airlines đạt 92% vào ngày 22/1/2022. Chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Thanh Hóa, tỷ lệ đặt giữ chỗ của Bamboo Airways là 87%, Vietjet lên đến 89% và Vietnam Airlines là 74%...

[Thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2023-2024?]

Với kết quả khai thác thời gian vừa qua và tỷ lệ đặt chỗ cho giai đoạn Tết Nguyên đán, phía Cục Hàng không Việt Nam nhận định nhu cầu đi lại của nhân dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về các địa phương trong cả nước vào giai đoạn Tết Nguyên đán đã tăng trở lại và cần được đáp ứng.

Một tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nhanh của thị trường hàng không nội địa được lãnh đạo Cục Hàng không chỉ ra, đó là các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã trao quyền quyết định cho Cục Hàng không để theo dõi sát sao, chủ động quyết định việc tăng tần suất khai thác.

Thừa nhận hãng hàng không quốc gia đã xây dựng các phương án kịch bản điều hành cao và thấp căn cứ vào dự báo của Hiệp hội IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế) về sự phục hồi của hàng không quốc tế và nội địa, phương án phòng chống dịch các nước và Việt Nam, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, dự báo năm 2022 vận tải bay nội địa quay về ngưỡng phục hồi 70-75% so với giai đoạn 2019 trước COVID-19, bay quốc tế sẽ đạt 20-25% và quay trở lại tăng dần vào quý 4/2022.

“IATA dự báo cuối năm 2023 thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi và năm 2024 thị trường bay quốc tế quay trở về như thời điểm 2019,” ông Hà nói.

Mục tiêu củng cố vị thế hàng không Việt

Với đường bay quốc tế thường lệ (chiếm 65% tổng doanh thu của hãng trước đại dịch), đến nay, Việt Nam đã khôi phục hoạt động chở khách thường lệ tới 8 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia.

Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, khoảng 140.000 người có nhu cầu người Việt Nam về nước đón Tết. Dự báo, lượng khách về Việt Nam sẽ vượt 30.000 hành khách/tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...

[Mở lại bay quốc tế: Nếu chậm chân sẽ lỡ nhịp đà phục hồi hàng không]

Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với Nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ đang triển khai kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ (kế hoạch) để thống nhất nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ với Việt Nam và tăng tần suất các chuyến bay trong điều kiện phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Hàng không Việt Nam với cơ hội phục hồi qua đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhu cầu của hành khách đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện Bamboo Airways cho biết đã chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực để khai thác các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Trước mắt trong giai đoạn đầu, Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ. Sau đó, hãng tiến tới bay quốc tế thường lệ hàng ngày đồng thời mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép.

Theo ông Đinh Việt Phương, Giám đốc Điều hành Vietjet, hãng đã sẵn sàng nguồn lực để khai thác trở lại tất cả các đường bay quốc tế thường lệ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ mới mẻ cho hành khách.

“Chúng tôi tin tưởng hàng không sẽ đi đầu khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách," ông Phương nói.

Để hàng không sớm phục hồi và không chậm chân hay lỡ nhịp với đà thế giới, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm thuế, phí; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản một cách bền vững… đây là những điều kiện cần thiết, hỗ trợ để các hãng bay sớm vượt qua đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục