Mở lại bay quốc tế: Nếu chậm chân sẽ lỡ nhịp đà phục hồi hàng không

Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch.
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mở lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương. Tuy nhiên, các đường bay nếu được mở lại cũng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

Hàng không và du lịch sẽ bật dậy nhanh nhất sau dịch

Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 10/11, theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, với các đường bay quốc tế nước ta vẫn duy trì, dù không được thường lệ như trước đây bởi nhiều nơi đã hạn chế các chuyến bay.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.

Ông cũng lý giải căn cứ mở lại bay quốc tế mà nhiều nước đã triển khai vì tích lũy kinh nghiệm phòng chống dịch, tiêm vaccine diện rộng để tạo ra sức chống chọi COVID-19. Việt Nam cũng đã thay đổi phương châm chống dịch từ năm 2020 đến nay, từ “Zero COVID" sang "sống chung với COVID" và quan điểm chủ trương là linh hoạt, thích ứng để đạt nhiều mục đích khác nhau như thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…

Bổ sung thêm, ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng để mở lại đường bay quốc tế phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra, trong đó nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố.

“Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch,” ông Thọ phân tích.

Đánh giá thời gian qua đại dịch đã bào mòn hoạt động của các hãng hàng không, ông Thọ nhấn mạnh cần sớm mở lại đường bay quốc tế để duy trì lợi thế cạnh tranh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Việc này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.

“Việc chia 3 giai đoạn mở lại đường bay quốc tế của Bộ Giao thông Vận tải là đủ thận trọng, cần thiết, có lộ trình, quy định để mở cửa là chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại,” vị Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng nói.

[Bộ GTVT đề xuất nối lại các chuyến bay quốc tế đi, đến Việt Nam]

Dưới góc độ hãng hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nhìn nhận cần lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, tỉ lệ tiêm phòng cao, có tỷ lệ du lịch tới Việt Nam cao, nhu cầu đi lại làm việc lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...

“Các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột và nếu chậm mở bay quốc tế thường lệ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cạnh tranh khi chậm chân hơn các nước trong khu vực,” ông Trung chia sẻ.

Giá vé bay quốc tế khi mở lại sẽ thấp hơn thuê chuyến

Khẳng định toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết ngành du lịch xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó.

“Lượng khách du lịch cũng sẽ tăng dần, chúng ta cứ thí điểm và triển khai dần. Cùng đó, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch,” ông Phúc nói.

Liên quan đến quy định cách ly đối với người nhập cảnh qua đường du lịch hoặc qua những chuyến bay thường lệ trong 7 ngày, ông Phúc cho hay ngành du lịch đã có những chương trình trọn gói, thiết lập “bong bóng du lịch” để du khách nghỉ ngơi trong khuôn khổ đó.

[Đẩy nhanh công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine phòng COVID-19]

Đặc biệt, qua các chương trình thí điểm chuyến bay combo, khách tự trả phí để cách ly, không có trường hợp nào từ khu cách ly/khách sạn cách ly lây nhiễm ra cộng đồng. Từ đó, ông Phúc quả quyết đây là bằng chứng rất quan trọng, cho thấy năng lực tổ chức, chống dịch của các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương.

Về giá vé máy bay, theo ông Võ Huy Cường, thông thường chuyến bay giải cứu, thuê chuyến (charter) sẽ có chi phí cao hơn, trong khi khách ít hơn. Còn chi phí khi mở chuyến bay thường lệ sẽ giảm hơn, hành khách sẽ có cơ hội mua vé giá rẻ hơn. Hơn nữa, chuyến bay thường lệ có sự cạnh tranh, lựa chọn, hành khách có quyền chọn vé sớm để hưởng giá vé rẻ hơn, đó là thông lệ.

Tại buổi tọa đàm, đơn vị quản lý Nhà nước và các hãng hàng không, chuyên gia cũng bày tỏ cần đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở các địa phương, tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, những thỏa thuận công nhận về "hộ chiếu vaccine," sự chuẩn bị kỹ càng của ngành y tế và sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương sẽ giúp mở lại đường bay quốc tế một cách sớm nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục