Hàng trăm doanh nghiệp SME được kết nối để vượt 'bão' COVID-19

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2021, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ quản trị, tiếp cận vốn, chuyển đổi số và kết nối thành các đơn hàng mới thành công nhằm khắc phục dịch bệnh.
Hàng trăm doanh nghiệp SME được kết nối để vượt 'bão' COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Dịch bệnh COVID-19 diễn ra khiến doanh thu Công ty Sản xuất phụ tùng ôtô và thiết bị công nghiệp – JAT bị sụt giảm từ mức 11 triệu USD vào năm 2019 xuống còn 10,5 triệu USD năm 2020. Tuy nhiên, tới năm 2021, doanh thu của đơn vị này đã phục hồi lên mức 13 triệu USD.

Để đạt được kết quả trên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, ông Trần Duy Nhất, Giám đốc của JAT cho biết nhờ vào hợp tác kết nối với thị trường xuất khẩu đồng thời nâng cao năng lực quản trị trong công ty.

Hỗ trợ kết nối trực tiếp

Ông Trần Duy Nhất, Giám đốc của JAT cho biết chia sẻ dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng đơn hàng nội địa giảm, trong khi cước vận tải biển, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hơn thế, chuỗi cung ứng nguyên liệu của công ty lại bị đứt gãy đồng thời nguồn nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng.

Trong hoàn cảnh đó, công ty đã hợp tác vào dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID. Nhờ đó, JAT đã kết nối được hai khách hàng mới đến từ Mỹ và Canada với một số đơn hàng thành công. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực qua việc đánh giá năng lực sơ bộ, kiểm toán năng lực toàn diện. Từ đó, chuyên gia của dự án đã kiến nghị các điểm cải tiến trong quy trình và thực tế sản xuất đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng (KPIs, BIQ, SMED…)

“Các hoạt động của dự án USAID LinkSME có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như JAT với các doanh nghiệp nước ngoài và đa quốc gia,” ông Nhất ghi nhận.

Tương tự, ông Nguyễn Công Lãm, Giám đốc Công ty Thực phẩm An Vạn Thịnh cho biết doanh thu chính của công ty đến từ các thị trường xuất khẩu trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ (khách hàng truyền thống lâu năm ở châu Âu, châu Á, châu Úc và châu Mỹ). Tuy nhiên, dịch bệnh diễn ra khiến công ty bị thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đạt chuẩn đầu vào cho sản xuất. Điều này khiến lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu không được kiểm soát, sản phẩm không đạt chuẩn vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Trong khi đó, doanh nghiệp thiếu các điều kiện tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất hợp lý để nâng cao hoạt động sản xuất, đầu tư vào dây chuyền tự động hoá có công suất lớn.

“Đến tháng 10/2021, dự án USAID LinkSME kết nối cho công ty tiếp cận tài chính thành công với ngân hàng HD Bank chi nhánh Lâm Đồng và được phê duyệt hạn mức vốn lưu động 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đang kết nối với Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ vả vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp cận nguồn vay ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh,” ông Lãm trao đổi.

Nhiều đơn hàng mới ra quốc tế

Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 8/8/2021 nhằm khẩn trương hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư.

Theo ông Hùng, các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được ghi nhận và góp phần giảm bớt những khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hợp tác với USAID trong thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, kịp thời điều chỉnh các ưu tiên hoạt động và bổ sung kinh phí trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) để triển khai sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với COVID-19.

Cụ thể, dự án đã kết nối thành công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với 64 đơn hàng giá trị đạt gần 1,3 triệu USD đồng thời hỗ trợ nâng cấp kỹ thuật cho hơn 700 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về hỗ trợ chuyển đổi số, ông Hùng chia sẻ có hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu. Đối với hỗ trợ tiếp cận tài chính, dự án đã hỗ trợ hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo tăng cường năng lực tiếp cận tài chính và quản trị tài chính, ước tính đến cuối tháng 12 - có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công các khoản vay mới và tái cấu trúc nợ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam Bradley Bessire nhấn mạnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến người dân và doanh nghiệp và đòi doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, vượt qua đại dịch để phát triển, phục hồi. USAID cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

“Điều này góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn,” bà Bradley Bessire nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục