Tối 20/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã long trọng tổ chức Lễ công bố Bằng công nhận huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng huyện Hưng Hà đạt huyện chuẩn nông thôn mới và Khai hội Đền Trần Thái Bình năm 2016.
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng hàng vạn đồng bào, du khách trong và ngoài tỉnh đã về dự.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã trao “Bằng công nhận huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh trống khai hội Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2016.
Diễn văn tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Khoái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Hà khẳng định dựa trên các tài liệu lịch sử: “Đại việt sử ký toàn thư,” “Việt sử thông giám cương mục,” “Kiểu văn tiểu lục"... tại Long Hưng xưa (Hưng Hà nay), nhà Trần đã phát triển khá mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự; đồng thời là chỗ dựa chính trị của nhà Lý lúc suy vi. Từ đây, Trần Thủ Độ đã làm một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị từ nhà Trần sang nhà Lý - một cuộc chuyển giao có một không hai trong lịch sử.
Trên mảnh đất này, sau mỗi lần chiến thắng quân Mông-Nguyên, sau các cuộc chặn đánh quân Chiêm Thành bảo vệ biên ải phía Nam thắng lợi, các vua Trần đều về đây làm lễ cáo yết tổ tiên, báo tiệp chiến thắng.
Long Hưng xưa còn là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa, các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số hoàng hậu, công chúa, hoàng thân quốc thích nhà Trần.
Trong suốt 175 năm trị vì, vào đầu tháng Giêng hằng năm, vua tôi nhà Trần đều trở về đây để bái yết tiên tổ, ban phúc ân cho tướng sỹ và thần dân trăm họ.
Lễ hội Đền Trần Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1/2014.
Cuối tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408 cấp Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.
Sau Lễ công bố Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và lễ đánh trống khai hội, du khách được thưởng thức màn trống hội và hoạt cảnh sử thi "Sáng mãi một vương triều" khẳng định vai trò, vị trí và công lao to lớn của triều Trần, nói rõ vùng đất Long Hưng xưa là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã xây dựng để thành nên một phòng tuyến hiểm yếu và là hậu phương vững chắc.
Màn bắn pháo hoa tầm thấp trong thời gian 15 phút cũng diễn ra, kết thúc đêm khai mạc lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2016.
Sau ngày khai hội, từ ngày 14-16 tháng Giêng (tức từ ngày 21-23/2, dương lịch) sẽ có nhiều hoạt động tái hiện lại việc rèn binh, luyện tướng của binh lính nhà Trần; khuyến khích phát triển nông, ngư nghiệp… của nhà Trần xưa kia, như: thi kéo co, thi vật cầu, thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần…
Trước đó, vào sáng và chiều cùng ngày, các hoạt động khác như: Lễ dâng hương tại mộ vua, lễ tế mở cửa Đền, lễ dâng hương tại đền Vua, lễ rước nước thủy bộ đã diễn ra.
Lễ hội đền Trần là hoạt động của nhân dân địa phương nhằm tưởng nhớ đến các vị vua Trần, tôn vinh nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, lễ hội còn truyền lại thông điệp, trước khi lên ngôi vua, tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề chài lưới./.