Hàng xa xỉ vẫn tăng

Hàng xa xỉ nhập khẩu vẫn tăng: Mối lo nhập siêu

Xuất khẩu tháng thứ ba liên tiếp vượt 7 tỷ USD nhưng nhập siêu vẫn đáng ngại, ôtô nguyên chiếc, điện thoại vẫn tiêu tốn nhiều ngoại tệ.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh rằng việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ đang tăng mạnh, và kiềm chế nhập siêu vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngành công thương thời gian tới.

Con số đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến công tác tháng Tư do Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 4/5 tại Hà Nội,  cho thấy dù kim ngạch xuất khẩu tháng thứ ba liên tiếp vượt 7 tỷ USD nhưng nhập siêu vẫn là mối lo khá lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu chung bốn tháng đầu năm 2011 đạt hơn 26,9 tỉ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳnăm 2010.

Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng, với mức tăng trên 50%. Riêng ba mặt hàng có tốc độ tăng ấn tượng, trên 110% so với cùng kỳ năm 2010, là cà phê, cao su và sắn.

Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp đáng kể của nhóm hàng công nghiệp chế biến, với mức tăng 31,9%, chủ yếu là hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm chất dẻo, thép các loại, túi xách, vali, ô, dù...

Về quan ngại nhập siêu, theo đánh giá của Bộ Công Thương, chỉ trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 31,83 tỉ USD, tăng 29,1%; đưa mức nhập siêu trong bốn tháng lên 4,89 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất là máy móc thiết bị (4,68 tỉ USD), xăng dầu (3,58 tỉ USD), vải (2,1 tỉ USD), sắt thép (1,95 tỉ USD)…

Đặc biệt, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp trong nước đã chi trên 1,5 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng trong danh mục hạn chế nhập khẩu, trong đó ôtô nguyên chiếc ước đạt 21.000 chiếc, tương đương 400 triệu USD; trên 400.000 điện thoại di động các loại, trị giá trên 10 triệu USD...

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trường Vụ Xuất nhập khẩu, dù tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng qua cao hơn nhập khẩu, nhưng mức nhập siêu cũng đã vượt qua chỉ tiêu của Chính phủ là không quá 16% kim ngạch xuất khẩu.

Có thể thấy, những chính sách ngoại tệ tích cực vừa qua đã đem lại hiệu quả lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nguồn ngoại tệ được cung ứng rất dồi dào. Đơn cử chỉ trong vòng một tháng lượng ngoại tệ mà Tổng công ty xăng dầu Việt Nam mua được đã đạt trên 1 tỷ USD, đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu đến quí III.

Nhưng cũng phải thấy rõ mặt trái của chính sách này, đó là sự lên giá của đồng tiền Việt Nam so với USD  và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

So với đầu năm, hiện đồng tiền Việt Nam đã lên giá 1,2% so với đồng USD, tỷ giá từ mức kịch trần là 20.900 đồng/USD xuống còn 20.650 đồng/USD và như vậy với 1 triệu USD tiền hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp bị lỗ khoảng 250 triệu đồng.

Hơn nữa, việc tiếp cận ngoại tệ được dễ dàng cũng tạo điều kiện cho việc nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng, đồng thời tạo áp lực nhập siêu từ chính nhóm hàng này trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, do giá cả đầu vào trên thế giới đang tăng cao cộng với lãi suất cho vay lên đến trên 18% sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả của ngành sản xuất.

Do vậy, các doanh nghiệp cần chỉ đạo một cách quyết liệt để duy trì mức tăng trưởng không thấp hơn so với bốn tháng đầu năm và phải đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định sản xuất lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương trong việc sử dụng vật tư, máy móc thiết bị và hàng hóa sản xuất trong nước đã sản xuất được. Đặc biệt là kiểm soát chặt việc nhập khẩu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không để nhập khẩu máy móc thiết bị đã quá lạc hậu, cũ kỹ, tiêu hao nhiều năng lượng…

Riêng các mặt hàng xa xỉ là ô tô, điện thoại di động đắt tiền, mỹ phẩm, rượu..., Bộ trưởng khuyến cáo sẽ cần phải có những biện pháp cụ thể hơn, kể cả biện pháp hành chính nhằm tạo ra sự chuyển biến ngay từ tháng Năm và đi vào ổn định vững chắc trong các tháng tiếp theo./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục