Hành cung Vũ Lâm và nghề thêu nổi tiếng Văn Lâm

Hành cung Vũ Lâm, nơi cung phi nhà Trần dạy dân nghề thêu tay, nay là làng Văn Lâm - nổi tiếng với nghề truyền thống hơn 700 năm.
Bức tranh thêu kỷ lục mang tên “Cội xưa,” có chiều dài hơn 200m và chiều rộng gần 3m, đã được những người thợ thêu làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Bức thêu phác họa khung cảnh cố đô Hoa Lư qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý trong buổi đầu dựng nước và quang cảnh dời đô của vua Lý Thái Tổ về Thăng Long.

Bức tranh, do gần 700 thợ tài hoa của làng thêu Văn Lâm lao động trong gần một năm, đã tạo được ấn tượng mạnh cho những người xem.

Người dân Việt đều biết đến cố đô Hoa Lư từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt của hai triều đại Đinh, Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý.

Ngày nay, những di tích, địa danh lịch sử vẫn còn đó như là đền vua Đinh, vua Lê, chùa Nhất trụ, cầu Đông, cầu Dền, với núi Mã Yên sừng sững, sông Vân Sàng - nơi Thái hậu đan tấm áo bào cho vua Lê Đại Hành, với Tam Cốc-Bích Động, khu hang động Tràng An, chùa Bái Đính.

Nhưng chắc không nhiều người biết đến hành cung Vũ Lâm, nơi vua tôi nhà Trần đặt căn cứ địa để củng cố lực lượng, phản công giải phóng thành Thăng Long trong cuộc kháng chiến lần thứ hai đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông giành độc lập.

Cũng tại đây, hoàng hậu Thuận Thiên cùng các cung phi nhà Trần đã dạy dân làng mở nghề mới - nghề thêu tay, mang lại đời sống sung túc cho nhân dân trong vùng.

Đến nay, nghề thêu ở Văn Lâm đã trở thành nghề truyền thống với lịch sử hơn 700 năm và ngày càng phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Lịch sử có những khúc quanh thú vị khi vua Trần Thái Tông đánh xong quân Nguyên Mông lần thứ nhất, nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng và chọn Vũ Lâm (nay là thôn Văn Lâm) làm nơi ở và tu hành. Tại đây, vua đã cho xây dựng Am Thái Vi thờ phật, xây dựng hành cung là nơi ở của vua và các tùy tùng.

Đây là nơi núi rừng hiểm trở, non xanh, nước biếc (nay là khu du lịch Tam Cốc-Bích Động), phía trước là con sông Ngô Đồng chảy qua, phía sau là núi đá và những thung lũng để tập trận, luyện rèn cả thủy, bộ để chuẩn bị quyết chiến với quân xâm lược.

Theo lịch sử thì năm 1285, quân Nguyên Mông đánh vào Thăng Long, triều đình đã rời khỏi kinh thành để lại vườn không nhà trống, đưa quân về phủ Thiên Trường và Phủ Trường Yên.

Khi cánh quân của Toa Đô đánh từ Thanh Hóa ra đến hành cung Vũ Lâm (Hoa Lư) đã bị quân tướng nhà Trần đánh tơi bời, để rồi từ đây qua Thiên Trường đánh về giải phóng Thăng Long khiến cho tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn.

Ngày nay, những tên đất, tên làng ở vùng đất Văn Lâm còn in đậm dấu ấn lịch sử thời ấy. Đó là cánh đồng Trường Thi nơi tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làn Thiện Trạo (chèo thuyền giỏi), làng Hạ Trạo (gác chèo) ở xã Ninh Thắng là nơi gác chèo khi vào đến hành cung. Đó là làng Tuân Cáo, nơi các quan vào trình báo nhà vua; làng Hành Cung, là nơi ở của Vua.

Còn đó đền Thái Vi, nơi thờ các vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Hoàng hậu Thuận Thiên, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, quanh năm khói hương nghi ngút. Còn đó những núi Võ, núi Văn, mỏ đại bàng tạo cho khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (trên vùng đất Hành cung xưa) vẻ hấp dẫn đặc biệt với du khách bốn phương.

Hơn thế, nghề thêu truyền thống của Văn Lâm cũng ngày càng được đầu tư phát triển. Hiện nay, tại Văn Lâm đã có sáu doanh nghiệp tư nhân, hai công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên thêu ren thu hút hơn 1.000 lao động có tay nghề cao.

Mỗi năm, nghề thêu đã mang lại doanh thu cho địa phương từ 10-15 tỷ đồng. Hàng trăm nghệ nhân thêu, những “bàn tay vàng” của làng nghề đang ngày ngày truyền nghề cho thế hệ cháu con.

Sản phẩm thêu Văn Lâm với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn đã theo chân du khách đi bốn biển, năm châu, cùng với những sản phẩm dâng lên đại lễ 1.000 năm Thăng Long, góp phần làm rạng rỡ truyền thống cho quê hương Văn Lâm, cho vùng đất cố đô Hoa Lư sáng mãi./.

Khắc Cư (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục