Hành trình 60 năm “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Ra đời trong thời kỳ gian khó, nhưng 60 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về lượng và chất.
Sáu mươi năm - quãng thời gian đủ dài để khẳng định rằng, báo chí Việt Nam đã có công đóng góp rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong đó, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam là hết sức quan trọng.

"Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ"

Sớm nhận thức vai trò to lớn của truyền thông, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một số hình thức tổ chức hoạt động báo chí.

Sau này, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đoàn Báo chí Việt Nam đã được tổ chức nhằm tập hợp các nhà báo ở Hà Nội. Và, ngày 21/4/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức ra đời, đánh dấu một mốc son trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.

Cứ mỗi lần được trò chuyện với các nhà báo lão thành, là những người xông pha nơi hòn tên, mũi đạn của quân thù để ghi lại những tấm ảnh, thước phim, quả thật chúng tôi vô cùng nể phục. Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống khi đang tác nghiệp nhưng cũng không làm nản lòng bước chân của hàng nghìn nhà báo xung phong vào bộ đội, vừa chiến đấu trên các mặt trận vừa hoạt động báo chí.

Không ai có thể phủ nhận, những đóng góp to lớn của đội ngũ làm báo cộng sản trong công cuộc “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”. Trong những năm tháng chiến tranh, những bài báo như trút hàng tấn bom đạn vào mặt trận tư tưởng của kẻ thù, làm chúng lung lay, nhụt chí. Từ đó, tạo điều kiện cho những chiến thắng giòn giã của quân và dân cả nước.

Và, cũng chính những ngòi bút đó đã cổ vũ lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, hậu phương tham gia tích cực sản xuất, phục vụ chiến tuyến. Có thể kể ra đây những phong trào được báo chí dấy lên như: Gió đại phong, Cờ ba nhất, Sóng duyên hải, Khoán 10, Khoán 100…

Một đội ngũ làm báo chuyên nghiệp

Sau này, khi đất nước hòa bình, đội ngũ làm báo được tăng cả về lượng lẫn chất. Nếu như đầu tiên, Hội Nhà báo Việt Nam có 185 hội viên, đến nay đã có tới gần 17.000 hội viên. Hệ thống của Hội cũng được kiện toàn làm 3 cấp: Trung ương, Tỉnh thành (hoặc Liên chi) và Chi hội cơ sở.

Bắt nhịp cùng bạn bè quốc tế, báo chí Việt Nam đã tăng loại hình, số lượng cơ quan báo chí. Đặc biệt, báo điện tử được ra đời, đánh dấu sự chiếm lĩnh thông tin trên mạng internet của đội ngũ những người làm báo Việt Nam. Đến nay, nhiều tờ báo uy tín đã có được lượng truy cập cao, trở thành người bạn tin cậy của công chúng.

Trong những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, nhằm giúp những người làm báo hướng tới cách làm việc chuyên nghiệp cũng như định hướng về tư tưởng, chính trị. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của hội đã phối hợp với hệ thống đào tạo báo chí trong và ngoài nước nâng cao trình độ cho hàng nghìn nhà báo. Chính điều này đã góp phần trong việc hiện đại hóa nền báo chí nước nhà.

Hội cũng tổ chức nhiều hình thức hoạt động như hội thảo, sinh hoạt… cổ vũ, hướng dẫn các nhà báo mạnh dạn đổi mới, đa dạng hóa thông tin song vẫn bảo đảm định hướng tư tưởng, chính trị của Đảng.

Sự trưởng thành của những người làm báo thể hiện rất rõ trong việc làm rõ những vụ tiêu cực của xã hội. Báo chí đã khẳng định mình là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội. Thực tế đã có nhiều vụ việc được các cơ quan báo chí với nghiệp vụ sắc bén đã đưa ra ánh sáng.

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tích cực biểu dương những tấm gương tốt trong xã hội, hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa…

Đường đi khó

Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Ủy viên thường trực thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, tuy đã đạt được những thành công nhất định, nhưng trước mắt vẫn là một con đường gian khó với những người làm báo.

Trong bối cảnh nạn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, các thế lực thù địch chống phá hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho những người làm báo là rất nặng nề.

Theo ông Thống, báo chí lúc này phải chứng tỏ được ngòi bút sắc, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân. Ngoài ra, cần vạch trần các âm mưu phá hoại của kẻ thù, quảng bá văn hóa dân tộc, thành tựu đổi mới của đất nước.

Muốn như vậy, đội ngũ làm báo phải luôn trau dồi, học hỏi nghiệp vụ cũng như nâng cao về tư tưởng. Ngoài ra, phải nâng cao tính hấp dẫn của tờ báo, mở rộng đối tượng độc giả và chiếm lĩnh công nghệ trong các phương thức thể hiện…

Về phần Hội Nhà báo Việt Nam, ông Thống cho hay sẽ kiện toàn bộ máy các cấp, đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động để phát huy tối đa tính sáng tạo của các cấp Hội, tạo điều kiện để các nhà báo-hội viên tham gia hoạt động.

Ngoài ra, Hội sẽ tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng cho hội viên, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý báo chí; đẩy mạnh hợp tác để nâng cao chất lượng, trình độ và quy mô của công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhà báo-hội viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền của các loại hình báo chí cả nước./.
Tính đến tháng 5/2009, cả nước có trên 710 cơ quan báo chí, 530 tạp chí, một hãng thông tấn quốc  gia, hai đài phát thanh truyền hình quốc gia,  một đài truyền hình của ngành, 63 đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh-thành và trên 500 đài truyền thanh cấp huyện...

Hiện có 17.000 người làm báo, hàng ngàn kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn cộng tác viên. Ngoài ra, có 9 câu lạc bộ báo chí chuyên ngành được thành lập.
Phạm Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục