Hành trình 'Theo dấu chân Đại tướng' bằng những vần thơ diễn ca

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” mở cửa từ ngày 21/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm thơ diễn ca về cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung (trái) và ca sỹ Mỹ Linh ngẫu hứng trong lễ khai mạc triển lãm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung (trái) và ca sỹ Mỹ Linh ngẫu hứng trong lễ khai mạc triển lãm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 21/12, triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của vị anh hùng dân tộc và 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm thơ-ảnh tái hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh toàn quyền Võ Nguyên Giáp và tình cảm nhân dân dành cho ông.

Triển lãm gồm 110 bài thơ của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung, người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua. Các bài thơ đi kèm hình ảnh minh họa từ nguồn ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, ảnh của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và nhiếp ảnh gia-Đại tá Trần Hồng.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trình bày các tác phẩm thơ-ảnh trên 92 tấm panô in lụa trên khung tre ngà. Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bày tỏ hy vọng rằng triển lãm sẽ là món quà ý nghĩa và lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng nhân hậu của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Hành trình 'Theo dấu chân Đại tướng' bằng những vần thơ diễn ca ảnh 1Nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Triển lãm không chỉ là lời tri ân sâu sắc đối với vị đại tướng tài ba của dân tộc mà còn tái hiện những dấu son lịch sử, những bài học về sự đoàn kết đồng lòng, phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ trước. Triển lãm được khai mạc tại thời điểm này với ý nghĩa và mong muốn truyền thêm cảm hứng cho mỗi người dân Việt Nam hôm nay phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay, tạo nên sức mạnh vượt qua đại dịch, tiếp tục hành trình đưa đất nước Việt Nam phát triển hội nhập,” bà Nguyễn Hải Vân cho biết.

[Người “vẽ” những chân dung khác về Đại tướng Võ Nguyên Giáp]

Triển lãm gồm 3 chủ đề. Phần 1 – “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại: Đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ cát... được tái hiện sinh động súc tích qua những lời thơ, lời diễn ca mộc mạc giản dị của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và được giới thiệu nhuần nhuyễn với những bức ảnh lịch sử vô giá, giàu cảm xúc.

Chủ đề 2 – “Vị tướng trong lòng dân” giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường, hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sỹ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.

Hành trình 'Theo dấu chân Đại tướng' bằng những vần thơ diễn ca ảnh 2Nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: TL)

Cuối cùng, chủ đề “Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tình yêu và sự kính trọng dành cho Đại tướng qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày Lễ Quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình.

Chia sẻ về lý do thực hiện triển lãm, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay: “Tôi yêu lịch sử, tôn trọng lịch sử đồng thời thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ ‘dân ta phải biết sử ta,’ do đó, tôi quyết định thực hiện triển lãm này để người dân đặc biệt là lớp trẻ hiểu rõ hơn về nhân vật lịch sử điển hình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự kiện lịch sử điển hình là chiến thắng Điện Biên Phủ.”

Bà đã nghiên cứu rất nhiều sách báo, tài liệu về Đại tướng để hiểu rõ về sự nghiệp và cuộc đời vị Tổng tư lệnh. Sau đó, bà lên Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa, những địa danh nổi tiếng và cả nghĩa trang nơi các chiến sỹ nằm xuống.

“Đi đến đâu tôi cũng hình dung ra bóng dáng Đại tướng đang làm việc, đang chỉ huy chiến dịch. Theo dấu chân Đại tướng, những tứ thơ bắt đầu xuất hiện trong tôi,” bà tâm sự.

Hành trình 'Theo dấu chân Đại tướng' bằng những vần thơ diễn ca ảnh 3Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trong bữa cơm nhà. (Ảnh: TL)

Bà không chỉ khắc họa sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng mà còn xúc động viết nên những vần thơ giản dị về cuộc sống thường ngày của vị anh hùng dân tộc:

Cao lương mĩ vị có gì đâu!
Chỉ miếng cá kho với đĩa rau!
Quả trứng luộc còn nguyên trong đọi
Vợ chồng Đại tướng mải nhìn nhau!

Việc quân trăn trở suốt canh thâu
Bữa cơm đạm bạc mới bên nhau
Trên chiếc mâm nhôm thật giản dị
Mà bao nghĩa nặng với tình sâu!

Nhìn mâm cơm tôi thấy nghẹn ngào!
Thương Tư lệnh tóc bạc, tuổi cao
Nhưng kìa! Đại tướng rất thanh thản
Hai vợ chồng âu yếm nhìn nhau

Hạnh phúc vẹn toàn đấy chứ đâu!

(“Bữa cơm gia đình của Đại tướng”)

Bà Mỹ Dung tâm sự: “Những câu chuyện giản dị, chân tình của nhiều lần gặp gỡ sau đó là nguồn cảm hứng cho những bài báo, những khúc diễn ca bằng thơ của tôi trong nhiều năm tháng sau này, kể cả sau khi Đại tướng đã ra đi.”

Bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự xúc động khi tham quan triển lãm. Bà khẳng định Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có cach trình bày tác phẩm rất độc đáo, rất “phụ nữ,” chứng tỏ rằng sự mềm mại và giản dị vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ.

“Cách trình bày triển lãm rất gần với phong cách của Đại tướng, đó là giản dị và sâu sắc. Đơn giản mà vẫn đi vào lòng người. Triển lãm thể hiện sự gắn bó của Đại tướng với nhân dân và tình cảm của nhân dân với Đại tướng,” bà Võ Hòa Bình chia sẻ./.

Video giới thiệu triển lãm:

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về công tác tại Trường trung học phổ thông Hải Hậu (Nam Định); Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội). Bà còn là Ủy viên Ủy ban Hành chính huyện Hải Hậu, Nam Định rồi cán bộ chỉ đạo của Vụ cấp 3 Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Hơn 30 năm cầm bút, bà có 10 tập thơ, 3 tác phẩm tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 7 tập bút ký xuất bản riêng và gần 100 tác phẩm in chung.

Bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mưu lược dũng mãnh và đầy bản lĩnh trên chiến trường nhưng vô cùng bình dị, ấm áp trong đời thường. Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – Người hiền” nhân 100 ngày mất của Đại tướng. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã dốc tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ “Theo dấu chân Đại tướng.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục