Hành trình vượt khó học tiếng Anh của thày trò 'phố núi" Mù Cang Chải

Điều dự án mang lại không chỉ là khả năng học tiếng Anh của học sinh tốt lên mà bên cạnh đó còn mang lại sự thay đổi tích cực của các giáo viên, các nhà trường.

Lý A Mạnh (bên trái), học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Khao Mang, Mù Cang Chải, Yên Bái trong giờ học tiếng Anh trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lý A Mạnh (bên trái), học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Khao Mang, Mù Cang Chải, Yên Bái trong giờ học tiếng Anh trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếng trống trường vừa vang lên báo hiệu một tiết học mới bắt đầu, các học sinh Trường Tiểu học Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) vội vàng chạy vào lớp, ổn định chỗ ngồi, hào hứng chờ đợi bởi đây là tiết học đặc biệt, khi các em sẽ được học trực tuyến với giáo viên từ Hà Nội qua màn hình tivi.

"Giờ học tiếng Anh trực tuyến rất vui nên em rất thích học," Lý A Mạnh, học sinh lớp 4A1 nói.

Trong buổi chiều vùng cao se sắt, nắng hắt hanh hao, nơi ngôi trường nhỏ xinh xinh nhiều với nhiều hoa và cây nằm tọa lạc trên một quả đồi, tiếng những học sinh dân tộc thiểu số đồng thanh học đọc, học nói tiếng Anh trực tuyến mang đến một sinh khí mới, như gợi mở về tương lai rộng mở hơn, vươn xa hơn cho những em nhỏ nơi này.

Dự án đặc biệt

Cô Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khao Mang cho hay dự án “Dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến” (iLINK) đã được triển khai ở trường trong hơn một năm qua, thí điểm ở hai khối: lớp 2 và lớp 4. Đây là chương trình dự án do iSMART Education thuộc Tập đoàn EQuest triển khai ở tất cả các trường tiểu học của huyện Mù Cang Chải và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, học sinh các khối lớp sẽ học tiếng Anh Toán và Khoa học trực tuyến với giáo viên từ Hà Nội dưới sự đồng hành hỗ trợ của các giáo viên tại trường.

“Các thầy cô giáo của trường đều không biết tiếng Anh nên ban đầu khá bỡ ngỡ, nhưng sau khi được cán bộ dự án tập huấn, các thầy cô đã dần quen và phối hợp nhịp nhàng với giáo viên dạy trực tuyến. Học sinh rất hào hứng vì giờ học khác với truyền thống, sinh động hơn, vui vẻ hơn, kết hợp kiến thức với các trò chơi, các ứng dụng hoạt hình, giúp các em tiếp thu bài dễ dàng hơn, nhớ lâu hơn”, cô Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải bảo dự án iLINK là một cơ duyên khi Mù Cang Chải đang gặp vô vàn khó khăn trong việc dạy và học ngoại ngữ.

51f7f609ffff57a10eee-2817.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Khao Mang hào hứng trong giờ học tiếng Anh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từ lớp 3, tiếng Anh trở thành môn bắt buộc thay vì tự chọn như trước đây, bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023. Năm học 2022-2023 cũng là lần đầu tiên học sinh tiểu học ở Mù Cang Chải được biết đến tiếng Anh nên các em rất háo hức. Tuy nhiên, do trước đây chưa từng triển khai dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học nên cả huyện chỉ có duy nhất một giáo viên môn này.

“Ban đầu, tôi cũng không biết phải làm như thế nào. Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã phải triển khai chương trình biệt phái giáo viên từ khu vực thành phố lên tăng cường cho Mù Cang Chải. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chủ động tìm kiếm giải pháp để gỡ khó, nhằm đảm bảo yêu cầu chương trình đặt ra cũng như đảm bảo quyền lợi được học tiếng Anh cho học sinh. Và trong quá trình tìm kiếm đó, chúng tôi đã kết nối được với dự án này,” ông Thủy chia sẻ.

Cũng theo ông Thủy, trong năm học 2022-2023, dự án iLINK được triển khai ở khối 1 và khối 3 của tất cả các trường trên địa bàn huyện với tổng số 117 lớp và gần 4.000 học sinh. Năm học 2023-2024, dự án tiếp tục thực hiện với các học sinh này ở khối 2 và khối 4, dự kiến thực hiện đến khi các em học xong bậc tiểu học. Học sinh sẽ học tiếng Anh iLINK hai tiết mỗi tuần vào các buổi chiều. Bên cạnh đó, các học sinh lớp 4 vẫn học tiếng Anh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên trực tiếp tại trường.

Chia sẻ về việc quyết định triển khai dự án ở Mù Cang Chải, ông Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest cho hay dự án nhằm đem lại cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho học sinh vùng cao, nơi còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và con người, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên.

“Nếu chỉ bằng sức người, chúng tôi không thể hỗ trợ được nhiều học sinh đến thế, nhưng với nền tảng công nghệ, hệ thống bài giảng số, hàng nghìn học sinh đã có thể tiếp cận với tiếng Anh qua Toán và Khoa học,” ông Minh nói.

Thổi luồng gió mới

Chia sẻ về dự án, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải cho hay khi mới triển khai, địa phương cũng rất lo và lúng túng vì muốn dạy trực tuyến phải có Internet đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định, có màn hình tivi, có camera… trong khi không có kinh phí. Giáo viên cũng không có chuyên môn tiếng Anh để hỗ trợ cho giáo viên trực tuyến.

a4dca2a76c53c40d9d42-5411.jpg
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Khao Mang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thầy cô tối thiểu cũng phải hiểu được giáo viên dạy trực tuyến đang muốn yêu cầu học sinh làm gì, học sinh phát âm đã đúng hay chưa vì giáo viên dạy trực tuyến không thể quản lý được hết. Điều đó buộc giáo viên đồng giảng tối thiểu phải hiểu được tiếng Anh cơ bản mới có thể dẫn dắt, quản lý, tổ chức lớp học. Vì thế, nhiều thầy cô không tự tin khi được phân công làm giáo viên đồng giảng dù trường đã chọn những người có kỹ năng tốt nhất,” ông Thủy nói.

Để giải những bài toán trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã đầu tư kéo mạng Internet đến từng lớp học, đề nghị Tập đoàn EQuest tổ chức tập huấn cho giáo viên đồng giảng. Địa phương cũng được Quỹ Chắp cánh tài trợ 300 triệu đồng để mua tivi trang bị cho các trường.

“Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau một năm triển khai, chúng tôi đã tiến hành đánh giá và kết quả đạt vượt mong đợi. Các tiết học rất trực quan, sinh động, sử dụng phần mềm dạng hoạt hình nên học sinh hết sức hào hứng, rất chịu khó tương tác và rất mong muốn đến tiết học để được học. Vì thế, dự án đã bổ trợ rất tích cực cho chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo,” ông Nguyễn Anh Thủy hào hứng nói.

Cũng theo ông Thủy, điều dự án mang lại không chỉ là khả năng học tiếng Anh của học sinh tốt lên mà bên cạnh đó còn mang lại sự thay đổi tích cực của các giáo viên, các nhà trường.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đồng giảng, các thầy cô phải dành thời gian rất nhiều để đầu tư học tiếng Anh. Sau hơn một năm triển khai, nhiều giáo viên đã có thể nói được tiếng Anh đơn giản. Việc tiếp xúc với phương thức giáo dục mới qua các giờ đồng giảng với giáo viên dạy trực tuyến cũng giúp thầy cô nơi đây được tiếp cận với phương pháp dạy học mới, biết sử dụng các trang thiết bị điện tử, biết khai thác tư liệu điện tử, khai thác bài dạy trên nền tảng số. Giáo viên cũng có thêm những nhận thức về đổi mới trong phương thức dạy học theo hướng hiện đại, cởi mở, vui vẻ, khích lệ động viên học sinh nhiều hơn so với việc áp đặt và cứng nhắc như truyền thống.

“Đây là một trong những ưu điểm rất lớn khi triển khai mô hình này,” ông Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, Mù Cang Chải gần như không phát triển công nghiệp nhưng đang phát triển mạnh về du lịch nên tiếng Anh là rất cần thiết. “Dự án kéo dài 5 năm là một trong những động lực, động viên khá lớn, là giải pháp tháo gỡ khó khăn khá hiệu quả cho giáo dục vùng cao, đặc biệt nhất là đối với môn Tiếng Anh. Chúng tôi cũng hy vọng sau này, gần 4.000 học sinh được học chương trình này sẽ cung cấp nguồn nhân lực tiếng Anh khá lớn cho huyện. Đó cũng là một trong những điều mọi người mong mỏi, kỳ vọng về hiệu quả lâu dài của dự án,” ông Thủy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục