Hành vi tranh cướp lộc làm biến dạng giá trị truyền thống của lễ hội

Lễ hội vốn là hoạt động văn hóa chứa đựng các giá trị truyền thống nhưng nhiều lễ hội đang dần mất đi giá trị mà thay vào đó là sự biến tướng các nghi lễ hoặc pha tạp các hoạt động khác.
Hành vi tranh cướp lộc làm biến dạng giá trị truyền thống của lễ hội ảnh 1Người dân chen nhau để cướp lộc hoa tre tại lễ Hội Gióng đền Sóc năm 2016. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Lễ hội vốn được biết đến là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, chứa đựng các giá trị truyền thống mà ở đó con người gửi gắm những ước mơ chính đáng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, nhiều lễ hội đang dần mất đi các giá trị ban đầu mà thay vào đó là sự biến tướng các nghi lễ hoặc pha tạp các hoạt động khác. Điều này thể hiện rõ qua tình trạng tranh cướp lộc tại các lễ hội, trong đó có cả các lễ hội tại Hà Nội.

Những thái quá trong nghi thức truyền thống

Tục cướp lộc hoa tre tại hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có từ lâu đời và được ghi trong hồ sơ trình UNESCO công nhận hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo nguyên gốc ban đầu, sau khi kiệu rước giò hoa tre tiến lễ lên sân rồng tại đền Thượng, dân làng làm lễ xong tiếp tục rước về đền Trình.

Tại đền Trình, khi làm lễ xong, chủ tế hô “tất lễ," lúc đó người dân các thôn làng cùng tranh lộc hoa tre. Dân gian quan niệm, ai được bông hoa tre hoặc một sợi tua của hoa tre coi như được lộc Thánh ban đầu năm mới. Chính vì thế, nhiều năm qua, tục cướp lộc hoa tre không chỉ gói gọn trong phạm vi các thôn làng trong vùng mà khách thập phương cũng tham gia cướp lộc. Nhưng đáng nói, hành động lấy lộc không phải là chen nhau giành lấy như xưa mà tranh cướp để lấy bằng được. Có nhiều năm, tại lễ hội đã có người bị thương tích do kiệu hoa tre chưa về tới đền Trình nhưng người đi hội đã xông vào cướp. Người cướp cố cướp còn người giữ cố giữ bằng mọi giá, thậm chí sử dụng cả gậy gộc để bảo vệ và gây thương tích cho không ít người.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: “Cái cướp ấy là cướp trong xã hội và không thể mang những hiện tượng ấy vào lễ hội được, làm mất hết tính tâm linh của lễ hội. Cũng chẳng có Thần, Phật nào phù hộ cho người dùng bạo lực để lấy được lộc cả."

Mặc dù vài năm gần đây, Ban Tổ chức Lễ hội đã tăng cường lực lượng bảo vệ lễ, hiện tượng cướp lộc dẫn đến thương tích không còn nữa nhưng người dân vẫn tranh nhau xông vào cướp lộc gây sự lộn xộn tại lễ hội.

Hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được tổ chức vào mùng 9/4 âm lịch hàng năm cũng có tranh cướp lộc. Lộc ở đây là những chiếc chiếu khi ông Hiệu thực hiện xong nghi thức đánh cờ. Năm 2011, tại hội Gióng Phù Đổng cũng xảy ra hiện tượng đánh nhau trong tranh cướp lộc buộc chính quyền xã Phù Đồng phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn. Cụ thể, chính quyền xã cho đào một hào nước sâu xung quanh khu vực ông Hiệu đánh cờ hạn chế người dân vào tranh cướp lộc, không cho các gia nhân dùng gậy gỗ bảo vệ ông Hiệu. Sau đó, cũng như hội Gióng đền Sóc, hội Gióng đền Phù Đổng không còn hiện tượng đánh nhau nhưng hiện tượng tranh giành lộc gây lộn xộn vẫn tiếp diễn.

Mới đây nhất, tại lễ khai hội chùa Hương đã xảy ra việc một nhà sư phát lộc cho người trảy hội khiến mọi người xô đẩy nhau để tranh giành lộc. Đáng nói hơn, nhà sư còn đứng trên bục cao tung lộc xuống để mọi người bắt tạo hình ảnh phản cảm tại chốn linh thiêng. Sư trụ trì chùa Hương đã yêu cầu nhà sư này sám hối và quỳ hương. Tuy nhiên, sự việc này vẫn làm ảnh hưởng đến một lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch mà Ban Tổ chức lễ hội đã xây dựng.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho rằng cứ lễ hội nào có nghi thức phát lộc, tán lộc là thường lễ hội đó có sự lộn xộn, tranh cướp lộc. Tình trạng này diễn ra là do nhận thức chưa đúng của mọi người, muốn có lộc để có may mắn.

Ông lý giải, trong dân gian, cướp lộc trong lễ hội thường mang tính diễn xướng, mô tả lại nghi lễ ấy chứ không có nghĩa là cướp giật như hiện nay ở một số lễ hội. Ông Nguyễn Viết Chức khẳng định, Thánh thần chỉ phù hộ cho những người hiền lành, đức độ, biết nhường nhịn chứ không phù hộ cho người nào đi cướp cả.

Tạo sự lành mạnh trong lễ hội

Việc tranh cướp lộc tại một số lễ hội ở Hà Nội cũng như các lễ hội khác trong cả nước được dư luận phản ánh nhiều với cơ bản các ý kiến không đồng tình, còn các cơ quan quản lý văn hóa cũng rốt ráo yêu cầu địa phương có những biện pháp đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh. Nhiều địa phương đã tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho nghi lễ nhưng nhìn nhận thực tế, tục tranh cướp lộc vẫn còn không ít điều gây phản cảm.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, các cơ quan liên quan và ban tổ chức lễ hội cần tuyên truyền cho người dân hiểu cướp lộc sẽ không được Thánh thần nào phù hộ; phải xây dựng được văn hóa lễ hội. Trong văn hóa lễ hội, phải xây dựng được thái độ ứng xử ở các lĩnh vực ứng xử với cộng đồng, với thiên nhiên, với bản thân mình và với thần linh. Ví dụ như, ứng xử trong xã hội chính là ứng xử với di sản, người ta đến đó với tâm thức như nào cho phù hợp. Ứng xử với thiên nhiên để cân bằng giữa con người với thiên nhiên, không tàn phá thiên nhiên… Thời xưa, các cụ đã xây dựng quy tắc ứng xử trong lễ hội nhưng qua thời gian mọi người sao nhãng đi, thậm chí thiên về thương mại hóa.

Ông Đặng Văn Bài khẳng định hành động cướp lộc không thể mang tính văn hóa và không có bóng dáng nào của tâm linh. Khi người ta có thái độ ứng xử chuẩn với thần linh, họ sẽ không có những hành động như vậy.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức các lễ hội cần tăng cường các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự khi diễn ra các nghi lễ tranh lộc, ngăn những hành vi thái quá của người dân; phải có những biện pháp kiên quyết yêu cầu những người tham gia hành lễ không mang theo dụng cụ có thể gây thương tích khi bảo vệ lễ vật.

Trong cuộc giao ban với các sở, ngành mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố còn gây bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng các quận, huyện làm việc với Trung tâm quản lý khu du lịch-di tích đền Sóc và sư trụ trì chùa Hương chấn chỉnh việc phát lộc gây ra sự tranh cướp như vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục