Háo hức với chủ trương chấm dứt các lễ khai giảng "nhiêu khê"

Với hầu hết các học sinh, ấn tượng về ngày khai giảng không phải là ngày hội đến trường nô nức, mà là sự mệt mỏi với chuỗi ngày tập dượt diễu hành, mệt mỏi ngồi dưới nắng nóng và chờ đợi để được... về
Háo hức với chủ trương chấm dứt các lễ khai giảng "nhiêu khê" ảnh 1Không ít học sinh mệt mỏi với lễ khai giảng 'nhiêu khê'. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã yêu cầu ngành giáo dục chấm dứt tình trạng tổ chức khai giảng "nhiêu khê," khiến học sinh mệt mỏi và cả nước khai giảng trong một ngày. 

Thông tin này đã ngay lập tức làm nức lòng học sinh, phụ huynh.

Nỗi buồn ngày khai giảng

Với hầu hết các học sinh, ấn tượng về ngày khai giảng không phải là ngày hội đến trường nô nức, mà là sự mệt mỏi với chuỗi ngày tập dượt diễu hành trước đó cả tuần, mệt mỏi ngồi dưới sân trường nắng nóng để chờ đợi và nghe các bài phát biểu của các lãnh đạo.

Khai giảng vì thế không còn là niềm vui mà là nỗi buồn, nỗi lo lắng của cả gia đình. Con mệt mỏi và lo không đi đúng sẽ bị phụ trách nhắc nhở, bố mẹ thì lo con ốm.

Chị Vũ Thị Lý (phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai) vẫn nhớ mùa khai giảng năm 2014, con gái chị dù mới chuẩn bị lên lớp 2, trước khi đi ngủ vẫn không quên nhắc mẹ gọi dậy sớm vì phải có mặt ở trường lúc 7 giờ và dặn khai giảng xong mẹ cho về nhà nghỉ. Lý do vì “sáng nay con đi tập về mỏi hết cả chân, vừa đói, vừa khát nước. Khai giảng rất mệt, con phải đứng mấy tiếng ngoài sân, nắng và nóng lắm!”

“Con tôi mới lên lớp 2 thôi nhưng ấn tượng về ngày khai giảng của con đã không hề đúng với ý nghĩa của ngày khai giảng, ngày lễ trọng đại với học sinh. Không hiểu các học sinh lớn hơn, nỗi ngán ngẩm của ngày khai giảng còn lớn đến mức nào,” chị Lý nói.

Chị Nguyễn Thị Hương (Quang Trung, Hà Đông) cũng chia sẻ nỗi buồn ngày khai giảng của con trai: “Con tôi cũng than khai giảng mệt, nắng, nóng, khát nước và phải mỏi tay vỗ đón các em lớp một. Sau lễ khai giảng con ốm cả tuần.”

Háo hức với chủ trương chấm dứt các lễ khai giảng "nhiêu khê" ảnh 2Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình nhảy hiphop với học sinh trong lễ khai giảng năm 2014. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Mong khai giảng ngắn phần lễ, dài phần hội

Quá ngao ngán với khai giảng nên thông tin Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chấm dứt tình trạng khai giảng hình thức và trả về đúng là ngày hội cho các em đã khiến học sinh, phụ huynh rất háo hức.

Chị Vũ Thị Lý cho biết, ngay khi đọc được thông tin trên, hai cô con gái của chị đã nhảy chân sáo vì vui mừng. 

Em Bùi Thu Thảo, lớp 3, trường Tiểu học Tân Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Khai giảng các năm trước rất mệt, học sinh phải ngồi dưới sân trường rất lâu nghe các thầy cô, các bác phát biểu. Con thích khai giảng với phần lễ ngắn gọn và học sinh được chơi nhiều trò chơi.”

Thảo cũng tỏ ra rất hứng thú với chủ trương cả nước cùng khai giảng một ngày, cùng một giờ và cùng hát quốc ca. “Con nghĩ như thế chắc sẽ rất vui. Cứ tưởng tượng học sinh cả nước cùng nhau chào cờ, cùng hát vang Quốc ca sẽ thấy rất rạo rực và ý nghĩa,” Thảo chia sẻ.

Còn với thầy Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức Nguyễn Quốc Bình, đây thực sự là một tin vui.

Có nhiều năm làm hiệu trưởng, hiểu rõ những nỗi niềm của học sinh trong ngày khai trường nên năm nào, thầy cũng cố gắng làm cho ngày khai giảng trở nên sôi động hơn. 

Tiêu biểu như ngày khai giảng năm 2014 đã thực sự trở thành ngày hội của học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức khi thầy Hiệu trưởng cởi bỏ áo vest đạo mạo để lên sân khấu nhảy hiphop và beatbo​x với học trò.

“Tôi chỉ mong các nhà trường sẽ giảm bớt những thủ tục rườm rà và học sinh sẽ có ngày khai giảng thật sự ý nghĩa, đáng nhớ, đúng là ngày hội thật vui vẻ, tràn đầy hứng khởi cho một năm học mới,” thầy Bình nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục