Đã đến lúc Mỹ cần đánh giá lại các mối quan hệ quốc tế

Hậu bầu cử: Đã đến lúc Mỹ cần đánh giá lại các mối quan hệ quốc tế

Việc tái đánh giá các mối quan hệ quốc tế sẽ dẫn đến việc cắt giảm một số cam kết và khép lại một số quan hệ khác khi chúng không còn hữu ích nữa.
Hậu bầu cử: Đã đến lúc Mỹ cần đánh giá lại các mối quan hệ quốc tế ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theamericanconservative.com, Mỹ đã có quá nhiều mối quan hệ đồng minh chính thức và đối tác không chính thức trong một thời gian dài đến nỗi nhiều nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ đã quên lý do vì sao nước này lại có đồng minh và đối tác ngay từ thuở ban đầu.

Washington thiết lập liên minh với các nước khác vì mối quan hệ này được xem là đem lại một số lợi ích về an ninh cho mỗi bên. Tuy nhiên, những quan hệ đồng minh này được “tôi luyện” theo thời gian và trở thành những biểu tượng quan hệ lý tưởng không thể chối bỏ đến mức cần chứng minh liệu những mối quan hệ này có phục vụ bất kỳ mục đích nào hay không.

Thông thường, các tổng thống Mỹ hoặc các ứng cử viên tổng thống tuyên bố rằng mối quan hệ này hoặc mối quan hệ kia “không thể bị phá vỡ, trường tồn hoặc thiêng liêng” song về bản chất, mỗi mối quan hệ đồng minh đều có thể tan rã, mang tính tạm thời và đối mặt với thách thức và chỉ trích.

Giá trị của nhiều mối quan hệ đối tác thậm chí còn đáng nghi ngờ hơn, song chúng lại thường được miêu tả là những mối quan hệ đồng minh khi trên thực tế lại không phải như vậy. Ngoài ra, cũng có sức ép chính trị to lớn để đối đãi những mối quan hệ đối tác này cứ như thể chúng xứng đáng nhận được sự bảo vệ của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington cần đánh giá lại xem mối quan hệ nào xứng đáng được duy trì, và cần “khắc cốt ghi tâm” lý do Mỹ thiết lập những mối quan hệ này. Việc tái đánh giá lại này sẽ dẫn đến việc cắt giảm một số cam kết và khép lại một số quan hệ khác khi chúng không còn hữu ích nữa.

Trong nền chính trị hiện đại ở Washington, những quan hệ an ninh giới hạn thường chuyển thành quan hệ đồng minh và những quan hệ đồng minh trở thành “bò thiêng,” tức được tôn sùng đến mức không thể bị đe dọa vì bất kỳ lý do gì.

Khi cựu Tổng thống Mỹ là Washington và Thomas Jefferson cảnh báo về những mối quan hệ đồng minh lâu dài và gây phiền toái, tức là đã tồn tại một số cạm bẫy mà họ hy vọng Mỹ nên tránh.

[Bầu cử Mỹ 2020: Nước Mỹ nín thở trước thời khắc quyết định]

Thế nhưng, trong 80 năm qua, Mỹ lại đưa ra nhiều cam kết hơn so với khả năng mà họ có thể duy trì và kết hợp hài hòa lợi ích của Mỹ với lợi ích của hàng chục nước khác trên thế giới. Tình trạng này đã diễn ra ở mức mà nhiều người Mỹ không còn nhận ra lợi ích của Mỹ kết thúc ở đâu và lợi ích của các nước khác bắt đầu từ đâu.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Mỹ có xu hướng để các đối tác là những nước nhỏ xử lý các mối đe dọa mang tính bản địa hoặc khu vực cứ như thể những mối đe dọa này đang gây hại các lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Điều này khiến Washington ký hàng loạt thỏa thuận mua chuộc các chính phủ độc tài với danh nghĩa “cuộc chiến khủng bố” không bao giờ kết thúc và điều này khiến Mỹ có nguy cơ can dự vào các cuộc chiến quy mô lớn liên quan những đảo đá nhỏ ở đại dương và những nước không thể phòng thủ được ở biên giới châu Âu.

Những mối quan hệ đồng minh được cho là giúp cả Mỹ và các đồng minh của Mỹ an toàn hơn song trên thực tế, những mối quan hệ này đôi khi trở thành cái cớ để tiến hành những hoạt động can dự không cần thiết vốn không liên quan gì đến mục đích phòng thủ tập thể.

Những mối quan hệ đối tác vốn từng được coi là những lợi ích tạm thời được nâng cấp một cách ngớ ngẩn thành những mối quan hệ “quan trọng” vốn sẽ được nâng niu và nuông chiều bất chấp những mối quan hệ này gây phương hại những lợi ích của Mỹ.

Có một xu hướng khác để thể hiện tình cảm trong mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, các nước khách hàng và đối tác bằng cách gọi họ là “những người bạn” của Mỹ. Không có mối quan hệ bạn bè giữa các nước. Chỉ có mối quan hệ tốt hơn và xấu đi và có thể có tồn tại những mối quan hệ thân thiện mang tính cá nhân giữa các lãnh đạo, song không thể tồn tại quan hệ bạn bè giữa các chính phủ, và sẽ là sai lầm khi coi mối quan hệ của Mỹ với các nước khác là quan hệ bạn bè.

Và cũng là sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm khi nhìn nhận ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ là bạn bè. Bởi Mỹ là một nước có được sự an toàn tuyệt đối trong khi các nước khác lại không có được. Điều này khiến Mỹ đi chệch những lợi ích của mình cũng như ngăn cản nỗ lực thay đổi chính sách theo đòi hỏi của tình hình.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và liên danh tranh cử Kamala Harris là hai trong số những chính trị gia của Mỹ có thói quen không tốt khi coi chính sách đối ngoại chỉ đơn thuần ở góc độ là hỗ trợ bạn bè và trừng trị đối địch.

Mỹ cần tìm cách thực hiện lời hứa và cam kết của mình, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ cần phải sáng suốt hơn khi đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc. Các nước khác không phải là bạn bè của Mỹ, và Mỹ không phải là bạn bè của các nước khác.

Và Mỹ không nên cho phép quan hệ hợp tác trong quá khứ khiến họ cảm thấy phải chịu trách nhiệm làm những việc không đem lại lợi ích cho an ninh quốc gia. Ví dụ, nhiều người ủng hộ can thiệp ở Libya hồi năm 2011 khẳng định rằng Mỹ ở phương diện nào đó “nợ” các đồng minh châu Âu vì sự hậu thuẫn của họ trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Ngày nay, Mỹ đối mặt với những vấn đề có phần khác biệt. Không ít lãnh đạo Mỹ và nhà phân tích cố tình diễn giải sai bản chất của một số quan hệ khách hàng của Mỹ khiến những mối quan hệ này dường như có vai trò quan trọng hơn và không thể tranh cãi so với bản chất thực sự của chúng.

Minh chứng cho điều này là mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia, Ai Cập, Israel và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Không có một hiệp ước chính thức nào buộc Mỹ phải bảo vệ những nước này, tương tự, họ cũng không có nghĩa vụ nào để hỗ trợ Mỹ.

Những mối quan hệ này không giống với những mối quan hệ đồng minh hiệp ước của Mỹ song chúng lại thường được miêu tả và bảo vệ theo cách này. Mỹ cũng có xu hướng trao cho những nước khách hàng này toàn quyền hành xử một cách tàn bạo và phá hoại như họ muốn mà không hề lo ngại về nguy cơ đánh mất sự ủng hộ đối với Washington.

Giáo sư về khoa học chính trị Barry Posen tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT đã gọi mối nguy hiểm trong các cuộc bàn luận về liên minh như bạn bè là một động cơ liều lĩnh. Nếu những nước khách hàng của Mỹ bị gán mác nhầm là các đồng minh và các đồng minh bị nhầm là bạn bè thì những nước này sẽ tin rằng họ có thể kỳ vọng sự hỗ trợ của Mỹ vì bất kỳ lý do gì.

Tương tự, nhận định về mối nguy hiểm này, ông Patrick Porter, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc tế thuộc trường Đại học Birmingham, và ông Josh Shifrinson, giảng dạy và nghiên cứu về an ninh quốc tế tại trường Đại học Boston, cho rằng cách tiếp cận nói trên có nguy cơ hủy hoại sự ổn định quốc tế vì nó khiến các đối tác của Mỹ không tin tưởng vào những cam kết của Mỹ.

Trong một bài viết gần đây, hai học giả này viết: “Sau 4 năm đối mặt với cách hành xử mang tính bắt nạt của chính quyền Trump, các nước đồng minh từ Canada đến Đức và Hàn Quốc tỏ ra quan ngại về mức độ đáng tin cậy của Washington và tìm cách thay đổi chính sách đối ngoại của mình."

Trong khi đó, khi cam kết trung thành với "các bạn bè” của Mỹ, cách tiếp cận của Joe Biden lại có nguy cơ đi quá xa theo chiều hướng đối nghịch, tức là cách tiếp cận của Biden có thể gây ra sự kỳ vọng sai lầm trong số các đồng minh của Mỹ về việc khôi phục tình bạn với Washington mà không cần điều kiện nào.

Cách tiếp cận này thậm chí có thể khiến các đồng minh coi sự hỗ trợ của Mỹ là điều hiển nhiên và có thể hành xử một cách khinh suất.

Vi dụ, hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã hành xử theo mong muốn riêng của mình, chọc giận các nước được cho là đồng minh của Ankara khi kích động xung đột ở Syria và Karabakh, đe dọa Hy Lạp và can dự ở Libya.

Tuy nhiên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại bất lực trong việc cản trở hoặc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì những hành động của họ.

Mỹ cần cắt giảm sự hỗ trợ mà họ dành cho các nước khách hàng liều lĩnh và cần đánh giá lại một cách nghiêm túc về việc đồng minh chính thức nào xứng đáng nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ như Washington đã cam kết trước đó.

Lẽ ra, Mỹ cần chấm dứt việc tôn sùng các mối quan hệ đồng minh và các mối quan hệ khách hàng từ rất lâu rồi và bắt đầu đánh giá lại những mối quan hệ này một cách nghiêm túc. Điều này sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều trong những năm tới, thời điểm mà Washington cần nỗ lực đồng bộ để “sửa chữa lại” tất cả những mối quan hệ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục