Hậu Giang: Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 đứng thứ 2 cả nước

Theo Tổng Cục Thống kê, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là những khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang với mức tăng trưởng 28,32%.

Người dân huyện Châu Thành A, Hậu Giang, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị cao. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Người dân huyện Châu Thành A, Hậu Giang, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị cao. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trong tháng 11, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Hậu Giang vẫn phát triển ổn định, các hoạt động sản xuất, thương mại được diễn ra liên tục, gần đến cuối năm nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng lượng hàng hóa sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết sắp đến.

Các chỉ tiêu kinh tế đều duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,47%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,60%, xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp tăng 45,32%,...

Tăng trưởng kinh tế GRDP xếp thứ 2 cả nước

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tiếp tục duy trì ở mức cao và đạt 12,27%, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 cả nước, sau tỉnh Bắc Giang với mức tăng trưởng 13,45%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tỉnh Hậu Giang đã được công bố 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng trong năm 2023 đều đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và luôn thuộc tốp dẫn đầu cả nước trong 3 kỳ đã công bố. So với năm 2022, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tăng 2 bậc.

Công nghiệp và xây dựng tiếp tục là những khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang với mức tăng trưởng 28,32%.

Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 11/2023 tính theo giá so sánh 2010 được 3.473,44 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng trước và tăng 18,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo giá hiện hành, được hơn 5.950 tỷ đồng, tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 17,40% so với cùng kỳ năm trước.

Ước thực hiện 11 tháng năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh 2010, được hơn 35.110 tỷ đồng, tăng 12,11% so với cùng kỳ năm trước và đạt 90,07% so với kế hoạch năm. Tính theo giá hiện hành, được gần 60.348 tỷ đồng, tăng 20,99% so với cùng kỳ năm trước và đạt 93,24% so với kế hoạch năm.

ttxvn-hau giang2.jpg
Nông dân huyện Vị Thủy, Hậu Giang, thu hoạch lúa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có trên 361 doanh nghiệp và trên 4.237 cơ sở cá thể công nghiệp. Trong đó, khoảng 20 doanh nghiệp có giá trị sản xuất theo giá hiện hành từ 500 tỷ đồng đến dưới 13.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 5,74% về số lượng doanh nghiệp và tạo ra giá trị sản xuất theo giá hiện hành được 52.124 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 86,37% về giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trên đang hoạt động ổn định, góp phần làm tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ.

Do tình hình suy thoái kinh tế thế giới cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi trong cuối quý 3 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Đặc biệt, tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông-thủy sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như xay xát; chế biến thủy sản đông lạnh; sản xuất trái cây đóng hộp; chế biến trà mãng cầu; chế biến cá thát lát;… các sản phẩm này có khả năng xuất khẩu và giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội. Vì vậy, đã làm giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2023 tăng trưởng so với cùng kỳ.

hau giang2.JPG
Kho gạo xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 824 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 3.902,71 tỷ đồng; có 193 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tổng vốn là 1.416,28 tỷ đồng; có 119 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tổng vốn là 202 tỷ đồng.

Đến nay, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung có 76 doanh nghiệp thực hiện 78 dự án đầu tư (trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư trong nước là 78.583 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư nước ngoài là 3.851,6 triệu USD, trong đó có 54 dự án đầu tư đang hoạt động và 24 dự án đang giải phóng mặt bằng, xây dựng.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ nhà đầu tư khởi công xây dựng 7 dự án; hỗ trợ 3 dự án đi vào hoạt động; vốn triển khai dự án của nhà đầu tư là 3.100 tỷ đồng; phối hợp cấp 7 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 11 tháng năm 2023 được 20.456,98 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,67%. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước thực hiện được 4.848,10 tỷ đồng, bằng 165,34% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn tự có của doanh nghiệp Nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 1.940,32 tỷ đồng, bằng 124,02% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có khối lượng thực hiện được 13.668,56 tỷ đồng, bằng 100,06% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo mục tiêu đề ra, các chủ đầu tư cần thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2023.

ttxvn-hau giang1.jpg
Hậu Giang khởi công gói thầu số 2 - Dự án Đường bộ Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ–Sóc Trăng. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Thứ ba là chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn.

Hậu Giang sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.

Tỉnh cũng kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Cuối cùng là rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục