Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP bình quân năm đạt 9,5-10% vào năm 2030

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP bình quân năm đạt 9,5-10% vào năm 2030 ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 3/8/2023 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đạt 9,5-10%/năm.

Chương trình hành động được triển khai thực hiện với quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của thành phố; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thành phố ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước với việc phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

[Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ các công trình động lực, trọng điểm]

Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịchvụ mới có giá trị gia tăng cao, nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP bình quân năm đạt 9,5-10% vào năm 2030 ảnh 2Đường vào Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Kế hoạch đặt chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đạt 9,5-10%/năm; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.000-8.500 USD.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp thời kỳ 2021-2030 đạt 12%, trong đó thời kỳ 2021- 2025 đạt trên 9,5%/năm và thời kỳ 2026-2030 đạt 14,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 66%.

Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2025 đạt 24-26%; năm 2030 đạt 29-30%; trong đó, tỷ trọng công nghiệp duy trì ở mức 19-21% trong giai đoạn 2021-2030. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sử dụng kỹ thuật-công nghệ trung và cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Tỷ trọng các ngành này trong cơ cấu VA toàn ngành công nghiệp chế biến đến năm 2025 chiếm trên 33%, đến năm 2030 chiếm gẩn 50%; đến năm 2030 giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 61¬62% GRDP.

Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 35-40% GRDP, trong đó cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viên thông chiếm khoảng 10-15% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Hoàn thành cơ bản chuyển đổi sổ, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số, an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất các linh kiện điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, sản xuất dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao.

Thành phố ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo. Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố thời kỳ 2031-2050 đạt trên 35%.

Năm 2050, phát triển thành phố Đà Nẵng thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp châu Á.

Để thực hiện những mục tiêu trên, một số nhiệm vụ đặt ra như đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường, nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững.

Thành phố quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển thị trường trong nước.

Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, sức mạnh con người Đà Nẵng, xây dựng lực lượng công nhân hiện đại, đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch của ngành, đơn vị để triển khai nhiệm vụ được giao; tập trung tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện; định kỳ hăng năm báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình thực hiện.

Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP bình quân năm đạt 9,5-10% vào năm 2030 ảnh 3(Nguồn: TTXVN)

Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ 2022; thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19, GRDP 6 tháng 2023 tăng 13,48%.

Trong mức tăng trưởng 3,74%, so với cùng kỳ 2022, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 1,22% đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15% đóng góp 4,18 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 64.784 tỷ đồng, mở rộng 5.138 tỷ đồng so với 2022.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, đầu ra sản xuất, tuy nhiên, giá trị tăng thêm trong lĩnh vực công nghiệp vẫn tăng trưởng 1,47%., trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ ngành công nghiệp khai khoáng, ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhẹ.

So với cùng kỳ năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 1,9%; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 5,5%; tồn khoa toàn ngành đến cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 5,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 59.642 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ, là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,427 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục