Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định

Trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030, Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh.
Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Vũ Sinh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, với chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội," thành phố đã giữ được nhịp độ tăng trưởng khá nhờ việc phục hồi tích cực của các hoạt động du lịch và lĩnh vực dịch vụ đi kèm.

Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,5%, khu vực công nghiệp-xây dựng giảm 4,7%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,01%.

Hoạt động du lịch được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong quý I/2023, thành phố đón hơn 1,4 triệu lượt khách, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành đạt 5.897 tỷ đồng, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình xuất, nhập khẩu quý 1 ước đạt 661 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 đạt 5.469,7 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng dẫn đầu về GRDP của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng; xếp thứ hai trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương; thứ bảy trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 19 so với cả nước.

Để giữ vững kết quả đạt được của quý 1 và phát huy hơn nữa các nguồn lực để đạt thành tựu lớn hơn trong những tháng tiếp theo của năm 2023 và mục tiêu Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của thành phố.

Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022-2030 đạt khoảng 9-10%/năm, trong đó, giai đoạn 2022-2025 tăng trưởng bình quân 8- 9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 10-11%; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2022-2030 đạt khoảng 5-6%/năm, trong đó giai đoạn 2022-2025 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 6-7%.

[Đà Nẵng: Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, tăng trưởng khá trong quý 1]

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố tập trung vào các định hướng như sau:

Đà Nẵng tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và ưu tiên sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng.

Thành phố nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, linh kiện điện-điện tử, sản phẩm cao su, động cơ,... thông qua xây dựng các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường.

Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định ảnh 2Chế biến cao su xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Vũ Sinh/TTXVN)

Thành phố cũng nỗ lực khai thác hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,...); gắn với mục tiêu phát triển xuất khẩu theo hướng tăng trưởng bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực; khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới tại các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á-Trung Đông,..

Thành phố khuyến khích nhập khẩu các hàng hóa công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

Để thực hiện hóa các mục tiêu và định hướng trên, Chương trình cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu.

Thành phố còn tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục