Hệ lụy xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Cần tạo việc làm cho người dân

Để ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về những hệ lụy khi đi lao động bất hợp pháp.
Hệ lụy xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Cần tạo việc làm cho người dân ảnh 1Quoàng Thị Vương ở xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu cùng chồng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhưng bị bắt, về nhà lo làm ăn để ổn định cuộc sống. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Để ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về những hệ lụy khi đi lao động bất hợp pháp.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có chính sách, giải pháp tạo việc làm và ký thỏa thuận với nước bạn để xuất khẩu lao động, giúp người dân ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững tại quê hương.

Cần tuân thủ pháp luật

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo do không có việc làm ổn định nên đã bị rủ rê vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp để hướng người dân làm giàu hợp pháp.

Đại tá Lò Văn Bích, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, cho biết thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu cũng như lực lượng công an đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng công dân của tỉnh xuất cảnh trái phép làm thuê ở Trung Quốc.

[Xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Nỗi buồn đìu hiu chốn quê nghèo]

Lực lượng công an tăng cường vận động quần chúng về quy định xuất, nhập cảnh cũng như bất lợi, hệ lụy, rủi ro khi xuất cảnh làm thuê “chui.” Đồng thời lực lượng chức năng tăng cường nắm địa bàn, quản lý chặt chẽ nhân thân, hộ khẩu khai báo tạm trú, tạm vắng; đấu tranh làm rõ các hành vi lôi kéo người xuất cảnh trái phép và xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Chính quyền và các đoàn thể ở xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đã có cách làm hiệu quả là vận động chính những người đã vượt biên sang Trung Quốc bị bắt và trở về đi các bản, gần dân để nói ra những hệ lụy, rủi ro khi vượt biên lao động trái phép ở xứ người. Những con người cụ thể, câu chuyện cụ thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép. 

Ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, cho rằng để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, cần đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân chấp hành nghiêm pháp luật, không xuất cảnh trái phép, đồng thời, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động tại các nước đã ký thỏa thuận hợp tác.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo các cấp, ngành, lực lượng chức năng triển khai nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội nhằm tạo việc làm hạn chế người dân xuất cảnh “chui.” Các địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật, thị trường xuất khẩu lao động đến đồng bào nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp sử dụng, tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm…

Tích cực giúp dân làm kinh tế

Ở các xã của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) lực lượng công an đã xuống từng hộ dân vận động, làm hồ sơ, thủ tục cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh cho những người có nhu cầu đi làm. Cùng với đó, cơ quan chức năng thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy thông hành, hộ chiếu nhằm hạn chế tình trạng xuất cảnh trái phép.

Ngoài những giải pháp ở cơ sở, ngành chức năng Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là trồng các loại cây dược liệu, ăn quả ôn đới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Lào Cai sẽ có nhiều cơ chế chính sách giải quyết cho những công dân muốn đi làm hợp pháp ở Trung Quốc.

Cụ thể, giải quyết theo phương hướng xuất khẩu lao động ngắn hạn chính ngạch, song hành thực hiện các biện pháp quản lý, hỗ trợ và tư vấn, bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán và ký kết thỏa thuận về công tác quản lý lao động phổ thông giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh, khu tự trị biên giới Trung Quốc để tạo hành lang pháp lý cho người lao động.

[Xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Nhọc nhằn tìm miền đất hứa]

Tháng 10/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã triển khai thí điểm tuyển lao động qua biên giới làm việc. Hiện nay, Lào Cai có khoảng hơn 300 lao động đang làm việc lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Hữu hạn Khoa học-Kỹ thuật Huệ Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với mức lương 1.700 nhân dân tệ/người/tháng (tương đương hơn 6 triệu đồng).

Nhiều lao động đã có mức lương ổn định, yên tâm làm việc với nhiều ưu đãi từ công tác bảo hộ, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm thương mại, hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chỗ ở, làm giấy cư trú tạm thời...

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết để giảm tối đa tình trạng xuất cảnh trái phép, tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh giải quyết việc làm.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tạo việc làm cho 60.000 lao động, chú trọng tạo việc làm cho người lao động khu vực biên giới. Đồng thời, tỉnh đầu tư, đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, hoạt động dịch vụ việc làm, tạo việc làm ổn định, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, lao động ở các huyện nghèo.

Theo ông Vi Trọng Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ, các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu nhằm lôi kéo, dụ dỗ người xuất cảnh sang Trung Quốc.

Các địa phương tăng cường phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất để người dân có việc làm và thu nhập ổn định.

Trong thời gian tới, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ giao cho các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc và giám sát các địa phương và cơ quan chức năng về công tác quản lý xuất cảnh lao động trái phép sang trung Quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhiều chính sách, nhiều biện pháp đã được các địa phương áp dụng, song để có được một lời giải cho bài toán xuất khẩu lao động trái phép ở vùng Tây Bắc là điều không đơn giản, nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân ở mỗi địa phương có sự khác biệt.

Để giải quyết triệt để, căn bản, bền vững vấn đề này rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương. Đặc biệt, hơn ai hết, chính người dân cần tỉnh táo, nắm vững pháp luật và cân nhắc kỹ trước khi xuất cảnh lao động để quyền lợi được đảm bảo./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục