Hệ thống định vị của Nga sẽ phủ kín toàn thế giới

Hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga, tương đương với Hệ thống GPS của Mỹ, sẽ phủ kín toàn thế giới vào cuối năm nay.
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 17/8 dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ quốc gia Nga Anatoly Perminov cho biết Hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga, tương đương với Hệ thống GPS của Mỹ, sẽ phủ kín toàn thế giới vào cuối năm nay.

Để hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu hoạt động hiệu quả, trên quỹ đạo quanh Trái Đất phải có ít nhất 24 vệ tinh.

Hiện nay, hệ thống định vị của Nga gồm 21 vệ tinh loại GLONASS đang hoạt động trên quỹ đạo vũ trụ. Nga hy vọng trong năm nay sẽ hoàn thành tiến trình phóng vệ tinh và cuối tháng 12 này sẽ có 24 vệ tinh hoạt động thường xuyên trên quỹ đạo.

Hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga được lực lượng vũ trang Nga phát triển từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 nhằm cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và trong tương lai sẽ cạnh tranh với Hệ thống Galileo của châu Âu.

Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ quốc gia Nga Perminov cũng đề cập đến một đề án quan trọng khác - thành lập hệ thống vũ trụ Arctica cho phép theo dõi tình hình khí tượng và thăm dò địa chất vùng Bắc Cực.

Theo ông, Bắc Cực là "hàn thử biểu" thể hiện thời tiết của toàn thế giới. Đối với Nga, khu vực này đặc biệt quan trọng, vì quá trình khí hậu ấm lên trước hết tác động đến các vùng phía Bắc Nga. Tuy nhiên, ở Bắc bán cầu, trên địa bàn cao hơn vĩ độ 60-80, không có hệ thống vũ trụ nào hoạt động thường xuyên, vì vậy để nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực, hệ thống này là rất cần thiết.

Hệ thống vũ trụ Arctica có thể trở thành đề án quốc tế, khi Canada cũng hoạt động theo hướng này và tỏ ra quan tâm tới đề án. Ngoài ra, Italy và một số quốc gia châu Á cũng chủ trương hợp tác với Nga trong lĩnh vực này.

Đề cập đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Nga cho rằng ISS có thể tiếp tục hoạt động trên quỹ đạo trong thời gian 10 năm tới, và một số môđun có thể hoạt động trong 20 năm.

Tương lai, ISS có thể trở thành cơ sở phóng tàu vũ trụ bay tới các hành tinh khác, chẳng hạn như tới Sao Hỏa.

Tuy nhiên, ông Perminov cho rằng đó là các đề án trong tương lai xa. Ví dụ, đoàn thám hiểm đến hành tinh Đỏ có thể lên đường không sớm hơn những năm 2030-2035. Song, đối với ngành vũ trụ, 25 năm không phải là một thời hạn dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục