Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam công bố chiến lược nhiều tham vọng

Ưu tiên số một của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn là theo đuổi mục tiêu kiên định: tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức-Việt và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.

Ban lãnh đạo GBA tại Đại hội thường niên 2024.
Ban lãnh đạo GBA tại Đại hội thường niên 2024.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) vừa cho biết, mục tiêu của hội trong năm 2024 sẽ nhằm đẩy mạnh tương tác với các thành viên Hiệp hội, mở rộng tầm vóc tại miền Bắc và thúc đẩy các sáng kiến phát triển chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương Việt-Đức

Quý I năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho GBA, với việc bầu ra 15 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào hội đồng, đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề đa dạng.

Đại hội Thường niên (AGM) diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng GBA, tái khẳng định lòng tin vào ban lãnh đạo và tầm nhìn của Hiệp hội.

Theo ông Alexander Ziehe, tân chủ tịch GBA, mục tiêu và chiến lược hành động động của GBA trong năm 2024 bao gồm 2 thành tố chính. Theo đó, ưu tiên số một của GBA vẫn là theo đuổi mục tiêu kiên định: tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức-Việt thông qua thúc đẩy quyền lợi của các thành viên GBA và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.

GBA sẽ thực thi những mục tiêu này bằng các chiến lược cụ thể, bao gồm 3 sáng kiến hoạt động mới nhằm nâng cao trải nghiệm của các thành viên. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là tăng cường sự hiện diện của GBA tại khu vực phía Bắc Việt Nam, và theo đuổi các cơ hội phát triển chiến lược.

Ngay trong quý 1 năm 2024, cam kết của GBA trong việc tạo dựng mối liên kết mạnh mẽ Đức-Việt đã được thể hiện rõ nét bằng lịch trình sự kiện và hoạt động đa dạng.

2.jpg
Hội nghị bàn tròn giữa Tổng thống Đức Steinmeier và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Trong số các hoạt động này, hội nghị bàn tròn với Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier tại Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm nhấn đáng chú ý.

Hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), GBA đã tổ chức lễ kỷ niệm tình hữu nghị giữa Đức và Pháp “Feierabend Rendez-Vous 2024,” thu hút hơn 300 khách mời và doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị Kinh doanh GBA diễn ra trong tháng 3/2024, tập trung vào Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2024 và vai trò của ASEAN, đã tạo kỷ lục về quy mô với số lượng trên 100 đại diện doanh nghiệp tham gia.

GBA cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp thành viên với các cơ quan chính phủ, bao gồm Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề kinh tế và hữu nghị chính yếu, chiến lược hợp tác cho năm 2024 và các công tác chuẩn bị cho các cột mốc quan trọng trong năm 2025, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức-Việt.

Thêm vào đó, GBA đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Việt Nam để giải quyết những lo ngại của các thành viên và ủng hộ cải cách chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Bao gồm các phiên làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC); Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các sở trực thuộc, hướng tới việc mở rộng và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, cũng như khu vực tỉnh/thành phố nói riêng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục