Hiệu quả từ chính sách vĩ mô nhất quán của Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đổi mới và mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hiệu quả từ chính sách vĩ mô nhất quán của Việt Nam ảnh 1Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, khái quát tình kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: Đình Thư/Vietnam+)

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ổn định nhờ chính sách vĩ mô nhất quán, theo đó tiếp tục thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo về tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam do Công ty Dragon Capital tổ chức vào ngày 1/9 tại thủ đô London (Anh).

Theo phóng viên TTXVN tại London, tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long và các doanh nghiệp Anh quan tâm tới thị trường Việt Nam. Các khách mời đã được cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đổi mới và mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đại sứ cho biết với mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 4.500 USD vào năm 2025 và 7.500-8.000 USD vào năm 2030, Việt Nam sẽ cần đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%/năm, một thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây nên.

Ông cho rằng việc Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế chất lượng cao, thu hút đầu tư có chọn lọc vào những lĩnh vực như công nghệ cao và tăng trưởng "xanh" là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Anh nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Tại hội thảo, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital - đã khái quát tình kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ ra những động lực thúc đẩy phát triển của Việt Nam, bao gồm tăng cường chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng và mức lãi suất thấp, đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 5% trong năm nay.

Theo ông Scriven, những thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài bao gồm nguồn nhân lực tốt; chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư có độ tin cậy cao với lịch sử tăng trưởng ổn định kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước.

Hiệu quả từ chính sách vĩ mô nhất quán của Việt Nam ảnh 2Đại sứ Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi hội thảo. (Ảnh: Đình Thư/Vietnam+)

Ông cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể gặp một số khó khăn nhất định tại thời điểm hiện tại, nhưng dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm sau và vì vậy, Việt Nam vẫn có tiềm năng thu hút đầu tư.

Về khả năng ứng phó đại dịch COVID-19, ông Scriven đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch vào năm ngoái và trong năm nay, Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương cũng đã phản ứng kịp thời khi dịch bùng phát với biến thể Delta lây lan nhanh.

[Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021 chú trọng nhiều chủ đề lớn]

Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần có các gói hỗ trợ hợp lý giúp người dân ở các địa phương giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ trực tiếp hỗ trợ khả năng phục hồi của nền kinh tế sau này.

Về thị trường chứng khoán, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dragon Capital cho rằng việc Việt Nam chưa được công nhận là thị trường mới nổi khiến việc huy động vốn gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch giải quyết thách thức này, bởi các nhà đầu tư gián tiếp quan trọng không kém nhà đầu tư trực tiếp.

Được thành lập tại Việt Nam vào năm 1994 với tổng vốn đầu tư 16 triệu USD, Dragon Capital hiện là nhà quản lý tài sản độc lập lâu năm nhất tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản đạt 2,9 tỷ USD (tính đến ngày 31/12/2019)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục