"Hiệu ứng Hy Lạp" giúp chứng khoán toàn cầu tăng

Việc Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp kinh tế khắc khổ đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu tràn ngập một màu xanh.
Việc Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp kinh tế khắc khổ đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu tràn ngập một màu xanh trong phiên cuối cùng của tháng Sáu.

Màu xanh tràn từ các thị trường chứng khoán châu Á sang tới châu Âu và tiếp tục tại Mỹ.

Chốt phiên ngày 30/6, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều đi lên mạnh mẽ, với FTSE 100 của Anh nhảy vọt lên 5.945.71 điểm, tăng 1,53%; DAX của Đức tiến thêm 1,13% lên 7.376,24 điểm và CAC 40 của Pháp cũng tiến lên 3.982,21 điểm, tăng 1,48%.

Còn tại Mỹ, Phố Wall có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp, với ba chỉ số chính tăng điểm ấn tượng, trong đó Dow Jones ghi thêm 152,92 điểm (1,25%) lên 12.414,34 điểm; S&P 500 tăng 13,23 điểm (1,01%) lên 1.320,64 điểm; còn Nasdaq Composite vọt lên 2.773,52 điểm (tăng 33,03 điểm, tương ứng 1,21%).

Ngoài yếu tố Hy Lạp, hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Phố Wall trong phiên cuối tháng Sáu này là thông tin từ Viện Quản lý Nguồn cung của Mỹ cho biết, hoạt động kinh tế tại khu vực trọng yếu Chicago của Mỹ trong tháng Sáu đã tăng từ 56,6 điểm lên 61,1 điểm, bất ngờ vượt xa so với dự đoán của các chuyên gia là tụt xuống 54 điểm.

Tuy nhiên, một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn tiếp tục yếu kém là số người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc ngày 29/6) là 428.000, chỉ giảm không đáng kể so với con số 429.000 người của tuần trước nữa.

Bước sang phiên cuối tuần 1/7, cũng là phiên đầu tiên của tháng Bảy, những nhân tố tích cực trên tiếp tục dẫn dắt màu xanh trải dài trên phần lớn các sàn chứng khoán chủ chốt của châu Á.

Tuy nhiên, mức tăng đã có phần chậm lại do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư và do số liệu về hoạt động công nghiệp trong tháng Sáu của Trung Quốc lại tiếp tục đi xuống.

Theo Liên đoàn Thu mua và Hậu cần Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Sáu đã tụt xuống còn 50,9 điểm, so với 52,0 điểm của tháng Năm và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp của chỉ số này.

Đáng chú ý là mức điểm trên 50 của chỉ số này có nghĩa là hoạt động công nghiệp đang được mở rộng, còn tụt xuống dưới 50 điểm chỉ ra rằng lĩnh vực công nghiệp đang co hẹp lại.

Như vậy là với mức 50,9 điểm của tháng Sáu, PMI của Trung Quốc đang ở gần ngưỡng "báo động," dù vẫn nằm trong vùng dự kiến.

Theo nhà phân tích Amy Lin thuộc Capital Securities, điều quan trọng là không để chỉ số này trượt nhanh hơn dự kiến.

phiên 1/7, một loạt các sàn lớn trong khu vực đều tăng điểm, trong đó Nikkei-225 của Tokyo ghi thêm 0,53%, tức 51,98 điểm, lên 9.868,07 điểm; KOSPI của Seoul tiến thêm 25,05 điểm (1,19%) lên 2.125,74 điểm; Các thị trường khác như Đài Loan, Philippines và New Zealand cũng đều đồng loạt đi lên với các mức tăng tương ứng là 1,01%; 1,41% và 0,77%.

Duy chỉ có thị trường Thượng Hải và Sydney là đi ngược lại với xu thế chung khi lần lượt để mất nhẹ 0,10% và 0,36%.

Hai thị trường Hong Kong và Thái Lan đóng cửa nghỉ lễ phiên này. Nhìn chung, các thị trường châu Á đều có mức tăng điểm ấn tượng trong phần lớn các phiên trong tuần sau khi vấn đề Hy Lạp có những biến chuyển theo chiều hướng tốt đẹp.

Giới đầu tư lo ngại rằng nếu cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp không được giải quyết, nó sẽ lan rộng ra châu Âu và khắp toàn cầu như một kiểu "hiệu ứng đôminnô."/.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục