Hiệu ứng Sanders và xu hướng thiên tả trong đảng Dân chủ Mỹ

Thượng nghị sỹ Bernie Sanders đã trở thành gương mặt cuối cùng tham gia cuộc đua để trở thành người đại diện cho đảng Dân chủ cạnh tranh với Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Hiệu ứng Sanders và xu hướng thiên tả trong đảng Dân chủ Mỹ ảnh 1Thượng nghị sỹ Bernie Sanders. (Nguồn: Getty Images)

Theo AFP/AP, từng bị các lãnh đạo phe Dân chủ khẳng định là quá cấp tiến, các chính sách mà Thượng nghị sỹ Bernie Sanders ủng hộ - trong đó có chính sách y tế - đang dần nhận được sự chấp nhận của đảng chính thống này, và sẽ là những đề tài mà ông cùng một số thành viên cấp tiến khác bảo vệ trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới.

Ngày 19/2, Sanders đã trở thành gương mặt cuối cùng tham gia cuộc đua để trở thành người đại diện cho đảng Dân chủ cạnh tranh với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, sẵn sàng tấn công các nhân vật cấp tiến khác vốn luôn ủng hộ rất nhiều vấn đề mà ông bảo vệ trong suốt giai đoạn nỗ lực tranh cử lần đầu tiên.

Trở lại năm 2016, những tranh cãi tập trung vào việc thúc đẩy việc mở rộng công tác thông tin về vấn đề y tế thông qua chương trình “Y tế cho Tất cả”, tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, miễn học phí tại các trường phổ thông công lập và hăng hái chống biến đổi khí hậu.

Sanders phát biểu trong một đoạn phim được phát trong giai đoạn tranh cử: “Họ nói với chúng tôi rằng tất cả những ý tưởng này đều là những điều mà người dân Mỹ không bao giờ chấp nhận. Được thôi, ba năm đã qua đi, và kết quả là hàng triệu người dân Mỹ đã đứng lên và phản đối lời nhận định này, tất cả các chính sách nói trên và nhiều chính sách khác nữa hiện đã được đa số người Mỹ ủng hộ. Ba năm trước, tôi đã bị người ta cười vào mặt khi nói rằng biến đổi khí hậu là một trong những thảm họa lớn nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt, và giờ đây người ta đã không còn cười được nữa..."

Trước những bình luận của Sanders, đội ngũ tái tranh cử của ông Trump đã tận dụng ngay cơ hội để công kích các đối thủ Dân chủ của mình vì đã ủng hộ một chương trình nghị sự mang tính cực đoan. Tuy nhiên, Sanders vẫn tạo ra được một sức ảnh hưởng ghê gớm trong đảng mình.

Dante Scala, một giảng viên chính trị học tại Đại học New Hampshire, nói với AFP: “Có dấu hiệu cho thấy Sanders đã thành công khi ông hiện có rất nhiều người theo gương mình."

Hãng AP dẫn lời ứng viên 77 tuổi tự xưng là người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội nói trong một bức thư gửi những người ủng hộ: “Chiến dịch của chúng tôi không chỉ nhằm đánh bại Donald Trump, mà là nhằm thay đổi đất nước và tạo ra một chính phủ dựa trên các nguyên tắc về kinh tế, xã hội, pháp luật sắc tộc và môi trường."

[Video] Mỹ: Thượng nghị sỹ Sanders trở lại đường đua tổng thống

Bản thân ông Trump cũng từng nói với báo giới rằng ông Sanders đã có một chiến dịch tranh cử tuyệt vời hồi năm 2016, nhưng ông tin là vị thượng nghị sĩ này đã “bỏ lỡ cơ hội."

Ông nói khi nhấn mạnh vào việc Sanders phản đối tự do thương mại: “Tôi thích Bernie, vấn đề của ông ấy chỉ là ông ấy chẳng biết làm thế nào. Trong khi chúng tôi đã làm được những điều rất ngoạn mục cho vấn đề thương mại."

Sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2018, Hội những người Cấp tiến trong Quốc hội do Sanders đồng sáng lập năm 1991 đã thể hiện sức mạnh lớn hơn bao giờ hết.

Chuyên gia Scala nói thêm: “Chúng ta đang thấy các ứng viên của cuộc chạy đua năm 2020 đang dần ủng hộ các ý tưởng của Sanders, và tôi cho rằng các ý tưởng đó đang trở thành một hướng đi tươi sáng, khác biệt so với các đối thủ."

Trong khi đó, một số ứng cử viên cũng đã tìm cách tách ra khỏi hiệu ứng của nhân vật 77 tuổi theo đường lối tự do này, chẳng hạn như Harris, người vừa có chuyến thăm đầu tiên đến bang New Hampshire, bang bỏ phiếu lựa chọn đại diện thứ hai, sau Iowa.

Bà phát biểu trong một sự kiện ở Concord: “Người dân New Hampshire sẽ nói cho tôi biết phải làm gì để cạnh tranh được ở New Hampshire. Tuy nhiên, tôi sẽ nói với các bạn rằng tôi không phải là một người theo đường lối dân chủ xã hội."

Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sang cánh tả vẫn đang diễn ra trong chính trường của đảng Dân chủ.

James Thurber, giảng viên chính trị học tại Đại học Mỹ, nhận định: “Nhiều thành viên Dân chủ mới đã được lựa chọn nhờ chính sách Y tế cho tất cả và ủng hộ nhiều hơn cho bậc cao học."

Scala, giảng viên bang New Hampshire, cho biết những hiệu ứng của cơn Đại Suy thoái một thập kỷ trước vẫn đang dội vào cuộc sống người dân Mỹ, và rốt cuộc đã kéo theo “xu hướng dân túy” trong những người như ông Sanders và ông Trump. 

Ba năm trước, Sanders từng là một ứng cử viên không có mấy hy vọng, song với mạng lưới chính trị đồ sộ, khả năng tổ chức quyên góp mạnh mẽ và những thông điệp sôi nổi, ông hiện là một ứng viên sáng giá.

Theo AP, Sanders đang bước vào chiến dịch tranh cử với một số lợi thế, trong đó có việc tên ông được biết đến sau lần chạy đua trước. Một dấu hiệu cho thấy chiến dịch lần này của ông đang được ủng hộ là theo một nguồn thạo tin giấu tên, ngày 19/2, số tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử cho ông từ 120 cá nhân đã tăng lên 3,3 triệu USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục