Triển vọng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

Theo Thời báo Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau lần 2, tại Việt Nam nhưng kỳ vọng vào kết quả là không cao, đặc biệt trong số những người bảo thủ.
Triển vọng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo Thời báo Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau lần thứ hai, lần này là tại Việt Nam.

Tuy nhiên, kỳ vọng vào kết quả là không cao, đặc biệt trong số những người bảo thủ. Nhiều người cho rằng hội nghị thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Kim lần thứ hai sẽ không tốt đẹp hơn lần đầu tiên ở Singapore 8 tháng trước, sự kiện mà họ nói đã kết thúc "chẳng có gì mà cứ làm rối lên."

Những người hoài nghi chống ông Trump ở Mỹ lo ngại việc nhà lãnh đạo này đang bị dồn vào chân tường trên mặt trận trong nước.

Họ cho rằng trước sự bế tắc trong vấn đề xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico và vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump có thể cho quá nhiều và nhận được quá ít khi ông vội vàng ghi điểm ở nước ngoài. Đằng sau những lo ngại này là những quan điểm phiến diện về những gì đã diễn ra trong 8 tháng qua.

Giới ngoại giao Mỹ cho rằng Triều Tiên đã có rất ít bước tiến phi hạt nhân hóa ngoại trừ một số hoạt động bề ngoài trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đối với hầu hết những nhà quan sát khách quan, Bình Nhưỡng đã làm được nhiều hơn so với Washington.

Thứ nhất, đã hơn 400 ngày trôi qua kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân hay phóng tên lửa tầm xa. Mỹ cũng đã nhận được hài cốt của những người lính chết trận trong Chiến tranh Triều Tiên khoảng 70 năm trước cũng như đưa một số người Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên về nước.

Thứ hai, Triều Tiên đã đóng cửa một cơ sở thử hạt nhân và một căn cứ phóng tên lửa. Trong khi đó, những gì Mỹ đã làm trong suốt thời gian qua chỉ là ngừng hoặc giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.

Những người chỉ trích ông Trump, hay diều hâu ngay cả trong chính quyền của ông như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cho rằng Mỹ không nên có bất kỳ nhượng bộ nào trừ phi và cho đến khi Triều Tiên tiến một bước quan trọng đến phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, các đòi hỏi của họ rằng Triều Tiên trước tiên phải phi hạt nhân hóa không khác gì mấy "sự kiên nhẫn chiến lược" của chính quyền Obama, điều làm lẫn lộn các điều kiện tiên quyết với mục tiêu cuối cùng.

Những người hoài nghi này nên cẩn thận đọc lại tuyên bố chung ở Singapore, văn kiện kêu gọi Mỹ và Triều Tiên "thiết lập một mối quan hệ mới vì hòa bình và thịnh vượng."

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó đã tuyên bố "tái khẳng định lời cam kết chắc chắn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và... nỗ lực để phi hạt nhân hóa hoàn toàn."

[Truyền thông Triều Tiên kêu gọi Mỹ có hành động thực tế tương ứng]

Ông Bolton và những người có tư tưởng cứng rắn khác ở Mỹ hoặc đã cố tình hiểu sai từ "nỗ lực" của Triều Tiên hoặc cố thay đổi nó thành "Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân." Điều đó đã khiến Bình Nhưỡng tức giận, thể hiện dưới hình thức bình luận của bộ máy tuyên truyền của nước này.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) khi bày tỏ sự tức giận về "sự bóp méo bản chất thỏa thuận song phương" của Washington đã định nghĩa phi hạt nhân hóa là gì qua tuyên bố: "Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là loại bỏ tất cả các mối đe dọa hạt nhân nhắm vào bán đảo Triều Tiên không chỉ từ hai miền Triều Tiên mà cả các khu vực lân cận.”

Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong đàm phán là lắng nghe những lời nói của nhau, không làm sai lệch hoặc diễn giải chúng theo cách có lợi cho mình. Những người bi quan cứng rắn từ lâu đã kết luận Triều Tiên sẽ không và không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy bất cứ thứ gì, cho rằng Triều Tiên phải mất gần 5 thập kỷ và rất nhiều tiền khiến đất nước nghèo đói và thậm chí hàng triệu người chết đói, để phát triển vũ khí hạt nhân.

Những người hoài nghi nhận định: "Không có cường quốc hạt nhân nào từ bỏ vũ khí nguyên tử mà họ khó khăn lắm mới có được."

Tuy nhiên, khi suy nghĩ trung lập một chút, chúng ta có thể thấy rằng quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không phải là để sở hữu hàng chục quả bom nguyên tử mà là để sử dụng chúng như những con bài đàm phán để đảm bảo an ninh và hỗ trợ kinh tế.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng hai miền Triều Tiên đã đạt thỏa thuận không xâm phạm nhau trên thực tế qua ba cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Mối quan tâm hàng đầu đối với Triều Tiên và nhà lãnh đạo trẻ tuổi của họ là phát triển kinh tế khi họ đã hoàn thành mục đích chính của các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Không giống Israel, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên không có đối thủ gần kề được trang bị vũ khí hạt nhân và đe dọa an ninh của nước mình. Trung Quốc và Nga có vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng không bận tâm đến hai nước này. Đối với Bình Nhưỡng, mối đe dọa duy nhất và đáng sợ nhất đến từ Mỹ.

Nếu Washington hoàn toàn đảm bảo an ninh của Triều Tiên và mở rộng viện trợ kinh tế, Bình Nhưỡng có rất ít lý do để không bỏ vũ khí. Và không giống Israel và Ấn Độ, những nền kinh tế phát triển hoặc mới nổi, Triều Tiên là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Bình Nhưỡng chỉ là một thành phố lớn trong những lời tuyên truyền và phần còn lại của Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng kinh tế bị hủy hoại.

Sẽ là chính xác khi nghĩ rằng thậm chí tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán Mỹ-Triều không thể bù đắp cho thất bại của ông Trump trong các vấn đề chính trị trong nước trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, biệt lập của Mỹ thành công trong việc lôi kéo Triều Tiên đến gần Washington thay vì Bắc Kinh, ông sẽ đi vào lịch sử Mỹ như một nhà lãnh đạo đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc tranh bá quyền toàn cầu với Trung Quốc.

Tổng thống Trump cho biết ông quý mến nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Trump vẫn chưa thể hiện điều đó qua hành động của mình, song thời gian để làm việc này đang đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục