Hiroshima kỷ niệm 70 năm thảm họa Mỹ ném bom nguyên tử

Thị trưởng thành phố thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới cần hồi sinh quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân và theo đuổi hòa bình giống như những gì thể hiện trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Hiroshima kỷ niệm 70 năm thảm họa Mỹ ném bom nguyên tử ảnh 1Chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình được thả trong lễ tưởng niệm. (Nguồn: BBC)

Thành phố Hiroshima đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này sáng 6/8.

Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, Thị trưởng thành phố thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới cần hồi sinh quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân và theo đuổi hòa bình giống như những gì thể hiện trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Ở thành phố phía Tây Nhật Bản này, các nạn nhân sống sót sau vụ ném bom và nhiều người khác đã có mặt từ sáng sớm tại công viên gần tâm của vụ nổ hạt nhân để tưởng niệm các nạn nhân của bom gnuyên tử và cầu nguyện cho hòa bình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến đặt vòng hoa trước bia tưởng niệm và cùng dự buổi Lễ tưởng niệm. Ngoài ra, tham dự sự kiện còn có đại diện đến từ 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, với sự có mặt của quan chức cấp cao từ Washington lần đầu tiên tham dự sự kiện này.

Trong Tuyên bố Hòa bình tại buổi lễ, Thị trưởng Hiroshima, ông Kazumi Matsui khẳng định kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy thể hiện “tình yêu con người” và tìm cách tạo dựng các cơ chế an ninh trên cơ sở thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau thông qua đối thoại mà không dựa vào sức mạnh quân sự.

Ông Matsui khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy con đường hòa bình trên khắp thế giới giống như những gì thể hiện về chủ nghĩa hòa bình trong Hiến pháp Nhật Bản, mà ở đó Điều 9 vĩnh viễn khước từ chiến tranh cũng như việc sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Bước tiếp theo là cần xây dựng các cơ chế an ninh linh hoạt mà không phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, thông qua sự tin tưởng để giành thắng lợi.”

Trong bối cảnh Nhật Bản sắp tổ chức Hội nghị cấp cao các nước công nghiệp G7 vào năm 2016, Thị trưởng Matsui cũng tái khẳng định hy vọng Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo thế giới thăm Hiroshima và Nagasaki để lắng nghe lời kể trực tiếp của các nạn nhân bom nguyên tử.

Hiện vẫn chưa rõ việc cử Trợ lý ngoại trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí của Mỹ Rose Gottemoeller tới dự Lễ tưởng niệm có phải là một chỉ dấu cho thấy Washington đang cố gắng đặt nền móng cho chuyến thăm của Tổng thống Obama hay không.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát Nhật Bản cho rằng động thái trên cho thấy quyết tâm của ông Obama nhằm tạo dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân như những gì mà ông từng tuyên bố trong bài phát biểu nổi tiếng tại Prague năm 2009.

Vào hồi 8 giờ 15 ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử đã nổ bên trên thành phố Hiroshima, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người tính đến cuối năm đó. Quả bom thứ hai đã được thả xuống Nagasaki vào ngày 9/8, và Nhật Bản đã đầu hàng sau đó 6 ngày, chính thức chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trả lời phóng viên TTXVN nhân sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho rằng “một thế giới không có hạt nhân” là lý tưởng của nhân loại kể từ khi con người chế tạo ra vũ khí hạt nhân.

Ông cho biết hầu như hàng năm, Nhật Bản đều đưa ra đề nghị với Hội đồng bảo an liên hợp quốc ra nghị quyết tán thành sáng kiến xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân và nếu đạt được điều đó, thế giới này sẽ trở nên an ninh và an toàn hơn.

Nguyên Đại sứ Sakaba khẳng định: “Để thực hiện được điều này, chúng ta cần hướng đến các cơ chế đa phương bao gồm các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện nay, không chỉ Mỹ mà cả Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Những nước sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay vẫn coi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân là tiền đề quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của họ. Đây là một thực tế. Do vậy, nếu như các nước sở hữu vũ khí hạt nhân muốn sử dụng sức mạnh hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia và không thấu hiểu được khát vọng của nhân loại về một thế giới không có vũ khí hạt nhân thì lý tưởng đó sẽ không bao giờ thực hiện được.”

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, con số những người nhiễm phóng xạ (hibakusha) trong và ngoài Nhật Bản, được khẳng định qua các dữ liệu cho thấy họ đã trải qua vụ ném bom kinh hòang cách đây 70 năm, là vào khoảng 183.519 người tính đến tháng 3/2015, bằng một nửa so với con số đỉnh điểm 372.264 người năm 1980. Độ tuổi trung bình của những người này đều đã quá 80.

Mặc dù những người nhiễm xạ mong mỏi về một thể giới không có vũ khí hạt nhân nhưng ý tưởng của họ đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh không cân sức với hơn 15.000 vũ khí hạt nhân ước tính vẫn còn tồn tại trên thế giới ngày nay mà đa phần trong số chúng nằm trong các kho vũ khí của Mỹ và Nga.

Tuyên bố Hòa bình Hiroshima trong Lễ tưởng niệm 70 năm vụ ném bom nguyên tử
 
 - Các nạn nhân của bom nguyên tử vẫn phải chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần, hy vọng mọi thứ sẽ trở lại với đúng con đường của nó.
 - Bom nguyên tử thứ ​hoàn toàn xấu xa, vô nhân đạo và cần phải bị loại bỏ.
 - Hiroshima sẽ làm hết sức minh để thúc đẩy xu thế toàn cầu hướng tới việc khởi động các cuộc đàm phán tìm kiếm hiệp ước chống vũ khí hạt nhân.
 - Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cần hành động với tình yêu nhân loại và xây dựng cơ chế an ninh thông qua niềm tin mà không dựa vào sức mạnh quân sự.
 - Hiroshima nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy con đường đến nền hòa bình thực sự được quy định bởi chủ nghĩa hòa bình trong Hiến pháp Nhật Bản.
 - Hiroshima đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà hoạch định chính sách khác đến thăm các thành phố bị bom hạt nhân tàn phá để lắng nghe các nạn nhân kể câu chuyện của họ.
 - Hiroshima kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hướng tất cả các nước đến việc tổ chức hội nghị bàn về vũ khí hạt nhân hoặc trong khuôn khổ pháp lý khác.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục