Cây bonsai 390 năm tuổi vượt qua vụ tấn công bom nguyên tử

Với vẻ ngoài như một cây nấm, gốc to dày có bán kính 45cm và vẫn đầy đủ cành lá, chậu bonsai 390 tuổi hiện đang ở trong Vườn thực vật quốc gia ở miền Đông Bắc Washington (Mỹ).
Cây bonsai 390 năm tuổi vượt qua vụ tấn công bom nguyên tử ảnh 1Chậu bonsai 390 tuổi hiện đang ở trong Vườn thực vật quốc gia ở miền Đông Bắc Washington (Mỹ). (Nguồn: jewishbusinessnews)

Với vẻ ngoài như một cây nấm, gốc to dày có bán kính 45cm và vẫn đầy đủ cành lá, chậu bonsai 390 tuổi hiện đang ở trong Vườn thực vật quốc gia ở miền Đông Bắc Washington (Mỹ) có một quá khứ hết sức huy hoàng.

 

Năm 1976, cây thông trắng này đã được hiến tặng cho Bảo tàng Bonsai và Chậu cảnh thuộc Vườn thực vật quốc gia Hoa Kỳ. Nó không chỉ đã tồn tại qua nhiều thăng trầm để trở thành mẫu vật lâu đời nhất trong bộ sưu tập cây cối tại đây, mà còn đã sống sót qua đợt ném quả bom “Little Boy” (Cậu nhóc) xuống thành phố Hiroshima trong chiến tranh thế giới thứ II.

 

“Thật tuyệt khi nghĩ rằng có thứ gì đó vẫn tồn tại sau một đợt ném bom nguyên tử. Và rồi vì lý do nào đó, một cái cây Nhật Bản có từ những năm 1600 lại có mặt ở đây.”, Moses Weisberg, một sinh viên tới từ trung tâm luật thuộc đại học Gerorge University cho biết.

 

Cây bonsai này đã được ông Masaru Yamaki, một chuyên gia bonsai Nhật Bản hiến tặng. Đây là một trong số 51 món quà được gửi đến nước Mỹ để mừng lễ kỷ niệm hai thế kỷ hình thành quóc gia.

Tuy nhiên, phải tới ngày 8/3/2001, khi hai anh em người Nhật Bản tới xem cái cây của ông nội, người ta mới biết về sự tồn tại của cây bonsai này.

 

“Tôi thấy thật thú vị khi ông Masaru Yamaki đã tặng đi một cây bonsai vô giá như vậy cho những người về cơ bản là kẻ thù mà không hề có ý kiến gì. Chỉ nội chuyện đó cũng khiến tôi thấy cảm động”, Felix Laughlin, chủ tịch Quỹ Bonsai Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chia sẻ.

 

Trước khi tận mắt thấy cây bonsai, hai anh em Shigeru và Akira Yamaki chỉ biết về sự tồn tại của nó qua những câu chuyện của gia đình. Những tư liệu chụp tại vườn ươm của nhà Yamaki sau vụ nổ bom nguyên tử cũng cho thấy cây thông trắng hoàn toàn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì sự sống của một mẫu vật quý giá như vậy không phải một việc dễ dàng. Jack Sustic, người quản lý bảo tàng Bonsai và Chậu cảnh từ năm 2002 là người chịu trách nhiệm với công việc này. Ông cho biết:

 

“Bonsai không chỉ một loại cây, mà là chỉ cách một cái cây được chăm sóc. Đó là sự kết hợp của cả tự nhiên và nghệ thuật.”

 

Việc chăm sóc cho cây bonsai bao gồm tưới nước hàng ngày, bắt sâu, xoay ra phía có nắng hai lần một tuần và thay chậu định kỳ. Vào mùa đông, cây thông trắng được chuyển tới khu có nhiệt độ có thể điều chỉnh của bảo tàng.

 

“Một trong những điều khiến cái cây này thật đặc biệt là có ai đó đã chăm sóc cho nó mỗi ngày từ năm 1625. Tôi luôn thích dùng bonsai như một động từ. Nó là một hành động thay vì chỉ là một danh từ”, Sustic chia sẻ.

Ông cũng cho biết việc chăm sóc một cái cây đã vài trăm năm tuổi nhiều áp lực đến mức có thể khiến ông không ngủ được vào ban đêm.

 

Ngày 6/8/1945, một quả bom nguyên tử nặng hơn 4 tấn đã phát nổ ở Hiroshima lúc 8 giờ 15 phút sáng. Khu vườn ươm có tường bao của nhà Yamaki chỉ nằm cách nơi bom nổ có 2 dặm. Tuy nhiên, theo Sustic, khoảng cách đó là đủ để sống sót.

 

“Địa điểm là lý do. Chính những bức tường đã bảo vệ cái cây khỏi vụ nổ.”

 

Không chỉ có cây thông trắng, tất cả những thành viên trong gia đình Yamaki cũng đã sống sót sau vụ nổ bom. Các cảnh cửa sổ đều bị sóng xung kích làm vỡ tan, khiến nhiều người bị mảnh kính sượt qua người, nhưng không ai bị thương nghiêm trọng. 

Cây thông trắng đã sống lâu hơn kỳ vọng và đã dành đến 1/10 tuổi thọ của mình tại Washington. Vào năm 2016, cây bonsai này sẽ chuyển về nhà mới trong khu cây trồng Nhật Bản, hiện đang được sửa sang để mừng lễ kỷ niệm lần thứ 40./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục