Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại

Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc VN, đã để lại niềm kính yêu vô hạn trong trái tim người dân VN và bạn bè quốc tế.
Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam đã để lại trong trái tim người Việt niềm kính yêu vô hạn. Không chỉ vậy, Người còn khiến cho đông đảo bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và trân trọng. Để bày tỏ tình cảm đó, nhiều người trong và ngoài nước đã có những tâm sự và bài viết để kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đẹp nhất

Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm về Bác.

Giáo sư tâm sự, ông sinh ra ở Nghệ Tĩnh, trong gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước. Nhiều người trong gia đình ông đã tham gia cách mạng. Do vậy, từ nhỏ, Đinh Xuân Lâm đã được người lớn kể chuyện về  người thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Đến khi đậu tú tài, ông được tiếp xúc với một số tác phẩm của Người, trong đó có tác phẩm “Bản án chế độ thưc dân Pháp”. Từ đó, tình cảm của Đinh Xuân Lâm dành cho Nguyễn Ái Quốc càng lớn và Người đã trở thành thần tượng trong trái tim ông.

Đôi mắt nhìn xa xăm của Giáo sư Lâm ánh lên niềm vui, ông nhớ lại: “Nguyễn Ái Quốc là người có uy tín lớn đối với nhân dân trong nước và Nghệ Tĩnh.”

Giáo sư lý giải cho tình yêu đó chính là tính hiện đại của Bác. Người không chỉ vững tin vào xã hội chủ nghĩa mà còn dành niềm tin lớn cho nhân dân, đưa ra chính sách đại đoàn kết dân tộc. Người tiếp nhận tinh hoa bên ngoài trên cơ sở gốc của mình. Hành động của Người dựa trên nền tảng yêu nước truyền thống và tinh thần cầu tiến.

Chung quan điểm với Giáo sư Lâm, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Thành Duy, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng tự hào về Bác. Ông khẳng định, hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thử thách, những tiêu cực và tích cực, những nghịch lý cuộc đời… thì ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết.

Không chỉ những người thuộc thế hệ cha ông mới có niềm tin vào Hồ Chí Minh như vậy, có rất nhiều người trẻ tuổi chưa từng bước qua chiến tranh nhưng cũng nức lòng khi nhắc về Bác.

Tiêu biểu như anh Trần Hoàng Khải, học viên Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Anh sôi nổi khi nhắc đến tên Người: “Tôi nghĩ, không chỉ tôi mà cả nhân dân tiến bộ trên thế giới đều cảm nhận được Hồ Chí Minh là con người đẹp nhất!”

Đẹp cả trong mắt người… Tây

“Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, trong suốt nhiệm kỳ ngoại giao của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi,” Alfred Almasi, Nguyên Đại sứ Hungari tại Việt Nam tâm sự.

Nguyên Đại sứ này kể rằng, ngay từ lần gặp đầu tiên (năm 1957), sự thân thiện, giản dị của Hồ Chí Minh đã để lại cho ông một ấn tượng rất lớn.

Giống như Alfred Almasi, ông Greetesh Sharma, Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam đã yêu mến Hồ Chí Minh bởi sự giản dị của Người.

Ông Greetesh Sharma cho rằng, Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trong chuyến thăm Ấn Độ thuở nào, Người dùng đôi dép xăng đan được làm từ lốp cũ của máy bay bị bắn rơi. Các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép bằng lốp cũ.

Ngoài ra, trong khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên của dân chúng có mặt hôm đó bởi đối với họ, không thể có một vị Chủ tịch nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trông cây.

Vẻ đẹp của Bác trong mắt bạn bè quốc tế không chỉ ở sự giản dị mà còn ở trí tuệ và lý tưởng của Người.

Giáo sư Jonh Callow, Giám đốc Thư viện Các Mác (Luân Đôn) nhận xét, mặc dù Hồ Chí Minh chưa bao giờ có điều kiện để nghiên cứu trong một môi trường kinh viện đầy đủ tài liệu cần thiết, dù Người phải dành nửa cuộc đời cho hoạt đông bí mật, trong lao tù hoặc theo đuổi mục đích cách mạng nhưng những tác phẩm của Người đã trở thành một bộ phận mới và sống động của chủ nghĩa Mác.

Cùng quan điểm với Giáo sư Jonh Callow, nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mêhicô, Giáo sư Ignasio Gonzalez Janzen cũng ghi nhận: “Hồ Chí Minh là người thầy, cũng như Simón Bolívar và José Martí từng là những người thầy ở châu Mỹ của chúng tôi. Lý tưởng của các vị ấy đã nêu bật sự đối xứng giữa tự do và công lý, giữa phẩm giá và chủ quyền trong cuộc đấu tranh vì cách mạng giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu giải phóng xã hội và xây dựng một trật tự mới.”/.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục