Hồ sơ Panama: Yêu cầu tiếp tục điều tra tổng thống Argentina

Thẩm phán Argentina yêu cầu Ngân hàng Trung ương cung cấp thông tin tài chính của Tổng thống Mauricio Macri, người thân của ông này cũng như các công ty có liên quan trong vụ ''Hồ sơ Panama.''
Hồ sơ Panama: Yêu cầu tiếp tục điều tra tổng thống Argentina ảnh 1Tổng thống Mauricio Macri. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 11/5, Thẩm phán Argentina Sebastián Casanello đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương nước này cung cấp thông tin tài chính của Tổng thống Mauricio Macri, người thân của ông này cũng như các công ty có liên quan trong vụ ''Hồ sơ Panama.'' 

Yêu cầu của Thẩm phán Casanello nằm trong khuôn khổ các hoạt động điều tra sự liên quan của Tổng thống Macri với các công ty tài khoản ủy thác Fleg Trading và Kagemusha, có trụ sở tại Bahamas và Panama, mà ông giữ chức Giám đốc.

Thẩm phán Casanello cũng yêu cầu Ngân hàng Trung ương các nước Panama, Anh, Bahamas, Uruguay, Ireland và Brazil cung cấp mọi thông tin tài chính của người đứng đầu quốc gia Nam Mỹ này cùng thân nhân trong rất nhiều công ty mà họ đứng tên từ năm 2012 tới nay.

Ngoài ra, Thẩm phán Casanello cũng yêu cầu Cơ quan Phòng chống tham nhũng và Cơ quan Thuế vụ Argentina thông báo mọi dữ liệu liên quan tới khai báo tài sản và đóng thuế của Tổng thống Macri và gia đình trong vòng năm năm trở lại đây.

Hồi đầu tháng này, ông Casanello đã yêu cầu Bahamas và Panama cung cấp thông tin liên quan tới các công ty Fleg Trading và Kagemusha.

Tổng thống Macri đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc, đồng thời bác bỏ cáo buộc có liên quan tới các công ty nêu trên với tuyên bố ông không có cổ phần trong các công ty gia đình này mặc dù giữ chức vụ lãnh đạo. Ông Macri đã không khai báo về các hoạt động của mình ở hai công ty này và thừa nhận có sự liên quan bởi đây là công ty do bố ông sáng lập.

Cùng ngày, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng trốn thuế và rửa tiền hiện nay là thiết lập một cơ chế quốc tế ngăn cấm hoạt động của các “thiên đường thuế." Ông Correa, tiến sỹ kinh tế từng được đào tạo tại Bỉ và Mỹ, cho rằng đây là cách duy nhất để có thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề và tố cáo cơ chế “thiên đường thuế” là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản vô trách nhiệm.

Theo ông Correa, sẽ chẳng có ai tìm tới thiên đường thuế bởi sự minh bạch, việc mở các công ty tại những nơi này là có chủ định che đậy thông tin.

Theo "Hồ sơ Panama," có tới hơn 850 công ty tài khoản ủy thác có liên quan tới Ecuador. Tờ nhật báo El Telégrafo của nước này đưa tin trong giai đoạn 2004-2013, gần 26 tỷ USD từ Ecuador đã được chuyển ra nước ngoài, tới các nước giàu và "thiên đường thuế."

Tại Bolivia, Quốc hội và cơ quan tư pháp cũng đang nỗ lực điều tra thông tin 50 cá nhân và công ty có tên trong danh sách vụ Hồ sơ Panama, bao gồm cả cựu Tổng thống Jorge Tuto Quiroga (2001-2002) và ứng cử viên Tổng thống Samuel Doria Medina.

Phó Tổng thống Álvaro García Linera thông báo Quốc hội đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những trường hợp có liên quan.

Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường thuế," qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Hồ sơ này được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính cũng như bí mật của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục