Hỗ trợ DN: Giảm thuế không có nghĩa giảm nguồn thu

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có nghĩa là giảm nguồn thu bởi khi thuế xuất giảm, DN làm ăn tốt thì số thu tuyệt đối vẫn tăng.
Tại phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 sáng nay (12/6), đa phần các đại biểu tán thành gói giải pháp theo đề xuất của Chính phủ, song cho rằng cần đưa ra mức giảm  nhiều hơn so với tờ trình gửi Quốc hội.

Giảm thuế không có nghĩa là giảm nguồn thu

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Trước khi thảo luận tôi cũng đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp ngay lúc này để xử lý những vấn đề của thị trường để cứu doanh nghiệp.

Trong lộ trình nâng cao sự cạnh tranh và thu hút đầu tư và tạo cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện trong vấn đề kích cầu, tích lũy để hoạt động trong luật cạnh tranh tôi đề nghị chúng ta nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để tạo sự cạnh tranh của Việt Nam đối với quan hệ kinh tế hiện nay. Nếu làm được điều này, từ 2013 doanh nghiệp sẽ hưởng ứng việc tái cấu trúc, tái đầu tư.

Tôi cho rằng, chúng ta giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có nghĩa là giảm nguồn thu bởi khi thuế xuất giảm, doanh nghiệp làm ăn tốt, số lượng qui mô tăng rộng thì số thu tuyệt đối vẫn tăng, chưa hẳn là giảm. Lâu nay nhiều người cứ nghĩ giảm thuế là giảm nguồn thu thì chưa hẳn đã đúng. Tôi đề nghị Quốc hội lần này nên sửa đổi luật thu nhập doanh nghiệp, nếu chưa sửa kịp thì trong Nghị quyết của Quốc hội lần này cần thể hiện quan điểm đó dể tạo nềm tin, yên tâm sản xuất trong doanh nghiệp. Trong lúc doanh nghiệp đang tái cấu trúc, chuẩn bi đầu tư mới, Quốc hội cho một tín hiệu như vậy để doanh nghiệp có định hướng, yên tâm sản xuất.

Về thuế thu nhập cá nhân, trước mắt chưa sửa luật này thì tôi đề nghị miễn thuế xuống bậc 1. Nghĩa là trong bậc 1 thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Từ bậc 2 trở lên thì hãy áp dụng để chờ sửa Luật thuế để phù hợp với tình hình hiện nay.

Tập trung cứu những doanh nghiệp có thể phát triển

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Phó đoàn Đại biểu thành phố Hải Phòng: Tôi cho rằng các giải pháp của Chính phủ là rất chính xác nhưng đây chỉ là những giải pháp mang tính chất tức thì chứ nếu dài hạn thì phải tìm những phương án dài hạn hơn.

Tôi kiến nghị, lúc này chúng ta phải rà soát lại những doanh nghiệp để hỗ trợ  những doanh nghiệp này phục hồi được và phải phát triển một cách lâu dài. Hàng hóa phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước và nước ngoài. Nếu chúng ta không rà soát lại thì những giải pháp trên chỉ phục hồi được trong thời gian ngắn, rồi lại chết yểu. Ta cũng phải nên cương quyết những doanh nghiệp nào không thể cứu được thì cho giải thể luôn để tập trung vào cứu những doanh nghiệp có thể phát triển được.

Cần kiểm soát giá chặt chẽ

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình: Gói giải pháp nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế chưa thực sự nhiều.

Gói hỗ trợ về thuế chủ yếu chỉ là hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, chỉ hình thành và hiện hữu khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh và có lãi. Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế chỉ có tác dụng với doanh nghiệp có lãi mà không tác động tới đại bộ phận đang phải vật lộn với chi phí đầu vào quá cao.

Theo tôi, số lượng doanh nghiệp được hưởng gói giải pháp của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi gần 40% doanh nghiệp khác có tiềm năng phát triển và đóng góp tốt nhưng gặp khó khăn nhất thời vì điều kiện khách quan lại không được hỗ trợ.

Tôi đề xuất giảm thuế VAT và kiểm soát giá chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép; miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho. Làm sao để doanh nghiệp được hưởng giảm, giãn, hoãn thuế khi tăng chi tiêu đầu vào, thay vì chỉ được hưởng khi doanh nghiệp có doanh thu và có lãi như gói hỗ trợ hiện nay.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đoàn thành phố Hà Nội: Nhiều đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp hay các ngành khác thì nhận định bên cạnh các giải pháp như vậy cũng có các đề xuất. Trong đó có đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%.

Cá nhân tôi thì cho rằng, đề xuất này là hợp lý vì hiện nay một mức thuế suất cao không có nghĩa là Nhà nước đã thu được nhiều thuế mà một mức thuế hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế, phù hợp với tình hình doanh nghiệp thì sẽ có sự kích thích sự ra đời của khối doanh nghiệp. Trong thời gian tới số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động một cách tạm sẽ thời tăng cao. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới khoản thu ngân sách về dài hạn. Do đó, chúng ta nên thực hiện giải pháp để kích thích thị trường, động viên sự ra đời của doanh nghiệp.

Có thể đưa ra ví dụ điển hình là ngày xưa, mức thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% thì tổng thu của ngân sách nhà nước cũng không cao hơn mức chúng ta áp dụng 25%. Vì vậy, giảm từ 32% xuống 25% thì số lượng doanh nghiệp ra đời rất lớn và mức thuế hợp lý hơn đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay việc đề xuất xuống 20% còn có tác dụng dỡ bỏ rào cản, gia nhập thị trường với khối doanh nghiệp thì đây là đề xuất tốt.

Theo Số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thì có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong số này thì có khoảng 35% hoạt động bình thường và có lãi, còn lại khoảng 40% doanh nghiệp vẫn có cơ hội trụ lại trên thị trường và họ có sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhưng họ khó khăn tạm thời về tài chính. Hiện hàng tồn kho của những doanh nghiệp này là rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng, nếu doanh nghiệp nào có khả năng tồn tại trên thị trường, có sản phẩm được thị trường chấp nhận, chỉ vì khó khăn tạm thời thì nên có cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp này, để giảm bớt những doanh nghiệp phá sản, giảm bớt doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn thì như thế tác động tới nền kinh tế sẽ tốt hơn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục