Hỗ trợ doanh nghiệp giải bài toán biến động thị trường tiền tệ

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhận định khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, hàng hóa giảm giá thành và khả năng hàng Trung Quốc tràn vào các nước, trong đó có Việt Nam là điều khó tránh khỏi.
Hỗ trợ doanh nghiệp giải bài toán biến động thị trường tiền tệ ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin và hỗ trợ những giải pháp ứng phó kịp thời với sự biến động của thị trường tiền tệ trong những ngày qua, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã gặp gỡ một số chuyên gia, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ hơn vấn đề này.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, ​nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, hàng hóa giảm giá thành và khả năng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường các nước​, trong đó có Việt Nam là điều khó tránh khỏi.

Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, giúp doanh nghiệp trong nước giữ được lợi thế xuất khẩu hàng hóa, mà còn góp phần kìm hãm nhập siêu và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu giá cả hàng hóa Việt Nam không được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường khu vực và quốc tế thì hàng hóa nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa trong nước ngay trên sân nhà. Cụ thể, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động có chiến lược thích ứng với diễn biến thị trường, linh hoạt tránh rủi ro và nắm bắt cơ hội cho nền sản xuất trong nước ổn định, phát triển.

Theo phản hồi của nhiều doanh nghiệp, việc phá giá đồng nhân dân tệ là một tín hiệu cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với những vấn đề trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Khi đã tham gia hội nhập sâu rộng thì không chỉ đối với thị trường quốc tế mà ngay cả tại thị trường nội địa, doanh nghiệp muốn tiêu thụ được hàng hóa thì phải đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất, tăng năng suất lao động, cắt giảm tối đa các chi phí mới có thể cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa.

Nếu doanh nghiệp không có các chiến lược dài hạn, hướng đi hợp lý sẽ rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, vốn có lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm...

Về lâu dài, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, đầu tư áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chủ động tìm thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu và nguồn nguyên liệu tránh lệ thuộc lớn vào một số thị trường.

Đánh giá về tác động của sự biến động thị trường tiền tệ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Văn Nguyễn Thái Bình, đại diện Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cho rằng, sự biến động thị trường tiền tệ chưa có tác động ngay đến doanh nghiệp, vì các hợp đồng xuất nhập khẩu thường được ký kết trong thời gian trung hoặc dài hạn.

Do đó, khi tình hình thị trường biến động thì những tác động cũng có "độ trễ" nhất định, sau đó mới rõ nét.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang chuẩn bị vào mùa sản xuất hàng hóa xuất khẩu cho những đơn hàng phục vụ các mùa lễ hội cuối năm nên sự biến động thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống rủi ro khi ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, mỗi doanh nghiệp nên thành lập bộ phận hoạch định tài chính để cập nhật thông tin, bám sát diễn biến thị trường để có thể tính toán biên độ tỷ giá phù hợp với thời điểm ký kết hợp đồng, thực hiện giao dịch ngoại thương và thanh toán.

Bên cạnh đó, nhằm hướng đến phát triển hoạt động xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp nên đa dạng và gia tăng rổ ngoại tệ của đơn vị mình, ngoài việc giao dịch chủ yếu bằng đồng USD thì nên xem xét lựa chọn những đơn vị khác như đồng euro.

Để chủ động hơn trong cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh cần có chính sách cải tiến sản xuất, giảm chi phí quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

B​ởi khi giá thành sản phẩm trên thị trường có xu hướng giảm và rẻ đi, thì việc các đối tác và khách hàng đề nghị hạ giá thành sản phẩm là điều tất yếu.

Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cho biết, họ kỳ vọng cao đối với những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ phát huy hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, Hiệu trường Trường đại học Tài chính - Marketing khuyến nghị, ứng phó với sự biến động thị trường tiền tệ, tỷ giá không phải là công cụ duy nhất nhưng là công cụ phát huy hiệu lực trực tiếp và kịp thời.

Tuy nhiên, sau đó cần triển khai nhiều chính sách đồng bộ khác như tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển, xây dựng hàng rào kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu đầu tư, lãi suất, thủ tục hành chính... để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.

Tại thị trường trong nước, ngoài cạnh tranh về giá, vấn đề quan trọng là phải đầu tư chuỗi sản xuất, đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra.

Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đang đầu tư tích cực vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những sản phẩm thị trường đang ưu chuộng, nên trong thời gian tới sẽ được mở rộng thị trường khá dễ dàng.

Việt Nam không thua kém cạnh tranh về giá, mà vấn đề cần quan tâm là thị trường, hạn chế xuất khẩu thô, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục