Ngày 31/3, tại cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết chiều 30/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phải bảo đảm an sinh xã hội cần thiết cho người dân.
Chính phủ sẽ bàn vấn đề này vào ngày 1/4, trước hết là đối với người thu nhập quá thấp, trên tinh thần ngân sách Trung ương và địa phương cố gắng hỗ trợ.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng phương án hỗ trợ, cách thức triển khai. Mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đời sống của một bộ phận người dân khó khăn hơn. Có những người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, có người bị ảnh hưởng gián tiếp và có những người bị ảnh hưởng "kép."
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ phải đúng và "trúng" đối tượng thật sự bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
[Kiến nghị đưa doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản được gia hạn nộp thuế]
Sau cuộc họp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ đề xuất hỗ trợ cho những người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, đồng thời tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ người ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Cũng theo cơ quan này, những người lao động phi chính thức, buôn bán nhỏ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 cần được hỗ trợ.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng lên 500.000 đồng/người/tháng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chủ động kiến nghị Chính phủ 6 nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để vượt qua khó khăn khi tình hình dịch COVID-19 kéo dài và chưa biết khi nào kết thúc.
Các nhóm giải pháp này được các chuyên gia, doanh nghiệp, người lao động cho rằng là cấp bách, kịp thời.../.