Hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Rất cần huy động thêm các nguồn lực

Theo các cơ quan chức năng, mức trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân mua bán người 1 triệu đồng là quá thấp, chưa đảm bảo cuộc sống cũng như có thể hòa nhập cộng đồng khi họ trở về địa phương .
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Rất cần huy động thêm các nguồn lực ảnh 1Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Nếu như năm 2022, cả nước có 222 nạn nhân bị mua bán, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, số nạn nhân bị mua bán đã là 224 người. Sự gia tăng các nạn nhân mua bán người đòi hỏi công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân cần được kịp thời sửa đổi, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hỗ trợ nạn nhân còn thấp và thiếu

Hiện nay, khung pháp lý về xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán của Việt Nam dù khá đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình áp dụng thực tiễn, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Hải Hoàng, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an chỉ ra rằng chính sách, chế độ chi hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng động đối với nạn nhân còn ở mức thấp, chỉ 1 triệu đồng tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh, xác định nạn nhân còn ngắn, chưa phù hợp với tình hình thực tế nhất là khi các nạn nhân ở tỉnh khác, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, theo quy định hiện nay là 20 ngày và tối đa không quá 60 ngày.

Các nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở những vùng khó khăn nên khi được tiếp nhận hoặc giải cứu một số thiếu hợp tác với cơ quan Công an gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.

[Tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng]

“Nhiều nạn nhân không biết tiếng, không xác định được thông tin, địa chỉ đang cư trú gây khó khăn cho công tác phối hợp giải cứu. Nhiều trường hợp khi được lực lượng chức năng nước sở tại giải cứu không có giấy tờ tùy thân, không khai báo thành khẩn, khó khăn trong việc xác minh làm rõ khi trao đổi thông tin về Việt Nam,” ông Nguyễn Hải Hoàng cho hay.

Chia sẻ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, ông Ông Lê Quang Nguyên, Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết việc chi tiền ăn, hỗ trợ tâm lý, y tế cho nạn nhân trong thời gian được bố trí chỗ ở tạm thời tại đồn biên phòng khi chưa chuyển đến được các cơ sở hỗ trợ nạn nhân để xác minh mặc dù Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013, nhưng chưa có hướng dẫn và nguồn kinh phí cụ thể cho các đơn vị bộ đội biên phòng.

“Nhiều trường hợp bộ đội biên phòng tiến hành giải cứu, tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân nhưng việc quyết toán kinh phí rất phức tạp, phải nhiều chứng từ, hóa đơn, tạo ra những khó khăn cho đơn vị,” ông Lê Quang Nguyên cho hay.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Rất cần huy động thêm các nguồn lực ảnh 2Thông điệp của ngày Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay là hướng đến từng nạn nhân của nạn buôn người để không ai phải bỏ lại phía sau. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ thực tế từ địa phương, bà Lê Thị Thúy, Phó Chi cục Trưởng Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng mức trợ cấp khó khăn ban đầu 1 triệu đồng/nạn nhân còn quá thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi họ trở về địa phương để hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ tín dụng, vay vốn cho nạn nhân bị mua bán trở về. Một số người khai báo là nạn nhân nhưng chưa được cơ quan công an xác nhận là nạn nhân nên không tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

“Chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân khó thực hiện, do yêu cầu nạn nhân phải là hộ nghèo. Trong thực tế, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều thuộc diện khó khăn, rất cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Nhưng do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương nên khó có thể xác định hộ nghèo,” bà Lê Thị Thúy cho hay.

Theo bà Lê Thị Thúy, tại cơ sở trợ giúp xã hội chưa có quy định về chi phi phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài nên quá trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân lưu trú còn nhiều bấp cập do bất đồng ngôn ngữ, gây ra khó khăn trong tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân...

Cần hoàn thiện chính sách, nỗ lực chung tay

Ông Lê Quang Nguyên kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua  bán người năm 2011 với các nội dung liên quan đến công tác giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, đặc biệt là các quy định về chi phí hỗ trợ người nghi vấn là nạn nhân trong thời gian lưu trú, xác minh, xác định nạn nhân.

Theo ông Lê Quang Nguyên, cần rà soát những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bà Lê Thị Thúy cũng đề xuất cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nghi là nạn nhân bị mua bán trở về trong quá trình xác minh là nạn nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ nạn nhân phù hợp, khả thi, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Thừa nhận mức hỗ trợ còn thấp, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chia sẻ một số địa phương đã có biện pháp để khắc phục khó khăn này. Ngoài quy định về mức hỗ trợ tối thiểu của Nhà nước, Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố đã quyết định tăng mức hỗ trợ cao hơn cho nạn nhân mua bán người. Hiện nay, một số tỉnh như Nghệ An, An Giang và đặc biệt là Quảng Ninh đã bố trí ngân sách hỗ trợ cho nạn nhân tương đối cao.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này đang thực hiện mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người. Trong giai đoạn năm 2022-2023, Nghị quyết về ngân sách tỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định trích kinh phí hàng năm dành riêng cho công tác phòng, chống mua bán người từ 700-900 triệu đồng, trong đó riêng kinh phí cho hoạt động mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người từ 90-150 triệu đồng/năm.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người: Rất cần huy động thêm các nguồn lực ảnh 3Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Quảng Ninh, mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người đã hỗ trợ 32 người là nạn nhân mua bán người, có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 12 người và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Đặc biệt, có 7 người đã được hỗ trợ kinh phí, vật nuôi, trang thiết bị để phát triển kinh doanh, ổn định sinh kế bằng hiện vật có giá trị từ 7-80 triệu đồng/nạn nhân.

Đưa ra giải pháp cho công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người trong giai đoạn tới, bà Nguyễn Thuỳ Dương khẳng định Đảng, Nhà nước ta đã xác định phòng chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn nữa vấn đề này mà trực tiếp là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Việc thực hiện các chính sách sẽ được tổng kết, đánh giá và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, nhờ sự quyết tâm trong việc triển khai các chính sách, Việt Nam đã huy động thêm nguồn lực và cũng đang nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của đông đảo bạn bè quốc tế trong việc hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Nhờ đó, các mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người cũng ngày càng đa dạng, toàn diện về hình thức hỗ trợ về tư vấn sang chấn tâm lý, y tế, sinh kế… để ổn định cuộc sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục