‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ và những ám ảnh của kịch Lưu Quang Vũ

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” - tác phẩm hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, sẽ chính thức trở lại với khán giả Hà Nội từ ngày 4/3.
‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ và những ám ảnh của kịch Lưu Quang Vũ ảnh 1Một cảnh trong "Hoa cúc xanh trên đầm lầy." (Ảnh: BTC)

Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” sẽ chính thức trở lại với khán giả Thủ đô từ ngày 4/3 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Yếu tố giả tưởng

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Nội dung vở diễn xoay quanh ba nhân vật Hoàng, Liên và Vân - những người bạn cùng có chung những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ. Ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày Liên gửi đến Hoàng tấm thiệp cưới của cô với Vân.

Vốn là một kỹ sư quen sống với những ý tưởng và khát khao về sự hoàn hảo, Hoàng đã chế tạo ra hai con robot mang dáng dấp và có những đặc điểm tính cách của Liên và Vân.

Từ đây, khi những người máy này bước chân vào cuộc đời thực, nhiều câu chuyện, mâu thuẫn và tình huống dở khóc dở cười đã xảy đến.

[Vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ đến với khán giả châu Âu]

Kỹ sư Hoàng tài năng nhưng trong lòng chứa đựng nhiều ẩn ức, luôn tự dằn vặt bản thân và bất mãn với xã hội. Liên và Vân của đời thực dù yêu nhau nhưng không vượt thoát được những toan tính đời thường để giữ gìn hạnh phúc, cân bằng cuộc sống.

Hai người máy (với trái tim và khối óc được lập trình hoàn thiện tuyệt đối) đã không thể chấp nhận được những điều ngang trái của đời sống xung quanh. Bởi vậy, tất cả đều bất hạnh.

‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ và những ám ảnh của kịch Lưu Quang Vũ ảnh 2Phiên bản "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" lần này do đạo diễn Sỹ Tiến dàn dựng. (Ảnh: BTC)

Hạnh phúc đích thực trong cuộc sống khi biết bỏ qua những tham-sân-si mới là điều quan trọng mà con người mong mỏi nhất. Đây cũng chính là thông điệp của “Hoa cúc xanh trên đầm lầy.”

Phiên bản “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” công diễn lần này có sự tham gia của các diễn viên: Bá Anh, Thu Quỳnh, Chí Huy, Nguyệt Hằng…

Tượng đài của sân khấu

“Mặc dù kịch bản 'Hoa cúc xanh trên đầm lầy' được viết từ cách đây hơn ba thập kỷ nhưng đến nay, những giá trị, thông điệp về hạnh phúc được gửi gắm trong đó vẫn chưa hề cũ; đặc biệt là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, những cỗ máy được lập trình tinh vi ngày càng phổ biến. Những điều ấy giúp mang lại một cuộc sống hiện đại, tiện nghi hơn nhưng nếu cứ mải miết, máy móc ‘chạy’ theo những điều đó thì con người sẽ tự tạo ra những hố sâu trống rỗng trong tâm hồn,” đạo diễn Sỹ Tiến cho biết.

Trước đó, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” được dàn dựng lần đầu tiên vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước (đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Đình Nghi dựng cho Đoàn kịch Hải Phòng).

Đến cuối năm 2000, đạo diễn Đỗ Kỷ (với sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Đình Nghi) đã dựng lại “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sỹ tài năng (thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam) như: Lan Hương, Xuân Bắc, Trung Anh…

Bởi vậy, khi tiếp tục dàn dựng kịch bản này, đạo diễn Sỹ Tiến đứng trước một áp lực khá lớn. Đạo diễn chia sẻ, để làm mới một kịch bản cũ, anh và êkíp sẽ đưa thêm vào những yếu tố, câu chuyện mang màu sắc đương đại để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện nay, tuy nhiên, vẫn đảm bảo được nội dung cốt lõi và thông điệp xuyên suốt của vở kịch.

‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ và những ám ảnh của kịch Lưu Quang Vũ ảnh 3"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" là kịch bản chứa đựng nhiều yếu tố giả tưởng. (Ảnh: BTC)

Bên cạnh đó, theo vị đạo diễn này, sức sống của "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" nói riêng và những kịch bản khác (như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Bệnh sỹ , Lời thề thứ chín…) một lần nữa khẳng định tài năng, nhãn quan và khả năng dự báo của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Chính khả năng dự báo đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu riêng cho những vở kịch của Lưu Quang Vũ, giúp chúng trụ vững theo thời gian.


[Kịch bản sân khấu: Khoảng trống sau Lưu Quang Vũ]

Sự ra đời của những kịch bản của Lưu Quang Vũ đã tạo nên một cơn “chấn động” trong đời sống sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước bởi những sáng tác ấy đã đề cập đến hàng loạt vấn đề mang tính thời sự trong đời sống xã hội (như sự xuống cấp của bộ máy chính quyền và đi cùng với nó là những bất công xã hội). Không chỉ có vậy, những kịch bản ấy còn thể hiện được khát vọng cao đẹp của con người - khát vọng được sống tốt hơn và được là chính mình.

Kịch bản của Lưu Quang Vũ phơi bày được “muôn hình vạn trạng” của cuộc sống nhưng đọng lại sau cùng vẫn là niềm tin vào phần thiện lương trong sâu thẳm tâm hồn con người.

Cũng bởi vậy, trong kịch mục, hành trang nghệ thuật của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật vẫn luôn có những vở kịch Lưu Quang Vũ.

Đặc biệt, từ năm 2012 trở lại đây, sân khấu Thủ đô chứng kiến sự trở lại liên tiếp các vở kịch của Lưu Quang Vũ với một diện mạo mới mẻ. “Nhà ôsin,” “Lời thề thứ chín,” “Mùa Hạ cuối cùng,” “Ai là thủ phạm” (Nhà hát Tuổi trẻ);  “Ông không phải bố tôi” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Bệnh sỹ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Nàng Sita” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…

‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’ và những ám ảnh của kịch Lưu Quang Vũ ảnh 4Một cảnh trong vở "Ai là thủ phạm." (Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ)

Theo nghệ sỹ ưu tú Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, thực tế ấy là điều đáng mừng nhưng cũng đặt ra những vấn đề nghiêm túc về chất lượng kịch bản và đội ngũ biên kịch sân khấu sau Lưu Quang Vũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục