Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.870 tỷ đồng trong quý 1

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết năm 2024, Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic để cho ra thép dùng trong mô tơ điện và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị quản trị Hòa Phát. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị quản trị Hòa Phát. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 11/4, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với sự tham dự của gần 700 cổ đông, đại diện cho 68% cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo đó, Đại hội đã thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2024 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng 140.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.

Tại Đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị quản trị HPG cho biết kết thúc quý 1, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.869 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm 2023.

Đại hội đồng cổ đông HPG cũng thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 với tỷ lệ 10%, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến năm 2024 là 10%. Bên cạnh đó, cổ đông HPG cũng biểu quyết thông qua việc bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Chu Quang Vũ và ông Đặng Ngọc Khánh, đưa số thành viên lên thành 9 người.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, Hòa Phát đã đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Theo đó, lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong số đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng thép (gồm gang thép và sản phẩm thép) lần lượt chiếm 94% và 92% của toàn Tập đoàn. Hòa Phát chủ trương tối ưu hóa hoạt động các trang trại chăn nuôi hiện có, nhờ vậy lợi nhuận nhóm nông nghiệp tăng 236% so với năm 2022. Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao.

Mảng điện máy gia dụng ghi nhận sản lượng bán hàng tăng trưởng mạnh nhờ phân phối đa kênh. Hiện Hòa Phát đã cung cấp hàng loạt sản phẩm như điều hòa, máy làm mát không khí, tủ đông, tủ mát, máy lọc nước, bếp từ, máy hút mùi…

z5338494630955_a03ebdf3018646251fc6a52160a45b24.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Hòa Phát, ngày 11/4. (Ảnh: Vietnam+)

Về xuất khẩu, doanh thu của Hòa phát đạt 34.287 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 28% tổng doanh thu của Tập đoàn. Cụ thể, sản lượng thép xuất khẩu đạt hơn 2,2 triệu với hơn trên 30 quốc gia. Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu này đã giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát nộp ngân sách Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng, được bình chọn Top 1 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và xếp thứ 8 trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023; Top 10 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam Top 30 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết năm 2024, Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic để cho ra thép dùng trong mô tơ điện và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ làm thép đường ray cường độ cao. Hiện Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thầu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Tập đoàn Hòa Phát xác định cơ cấu sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án trong tương lai sẽ hướng mạnh vào sản xuất thép cán nóng (HRC) chất lượng cao phục vụ nhu cầu các ngành cơ khí chế tạo. Tập đoàn cũng chú trọng đầu tư theo chiều sâu để sản xuất các mác thép đòi hỏi kỹ thuật khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ôtô, cáp, thép dự ứng lực, thép silic, thép làm đường ray tàu cao tốc…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục