Hoàn thành di dời 6 di tích khảo cổ lòng hồ Sơn La

Dự án khai quật, di dời và xử lý sáu di tích khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, tỉnh Điện Biên đã vừa chính thức hoàn thành.
Ngày 13/8, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, Viện khảo cổ Việt Nam chính thức xác nhận vừa hoàn thành Dự án khai quật, di dời và xử lý sáu di tích khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, tỉnh Điện Biên.

Viện khảo cổ Việt Nam cũng đã chỉnh lý, thống kê, phân loại, miêu tả và bàn giao 28.482 hiện vật khảo cổ tìm được từ dự án này cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên quản lý. Công tác khai quật, tìm kiếm các hiện vật này được Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La đánh giá là hết sức cấp thiết nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở vùng đất này.

Các hiện vật mà Viện khảo cổ Việt Nam trao cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên tiếp nhận được khai quật từ các di chỉ khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La gồm di chỉ Huổi Só, Huổi Loóng thuộc xã Huổi Só, Di chỉ Pắc Na, Huổi Le thuộc xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa); Di chỉ Đồi Cao, phường Sông Đà, thị xã Mường Lay (Điện Biên).

Các hiện vật này đa phần được chế tác từ đá thành công cụ ghè đẽo thô sơ, bàn cối, chày nghiền thức ăn, mảnh tước. Ngoài ra còn có một số công cụ mài toàn thân, gốm thô, văn chải, văn đạp, một số đồ đất nung như dọi xe sợi...

Qua việc khảo tả, đo vẽ, phân tích các nhà khoa học ở Viện khảo cổ Việt Nam đã phân loại và sơ bộ đánh giá những hiện vật thu được ở vùng đất này đa phần thuộc niên đại hậu đá cũ cách đây hơn 20.000 năm và kéo dài đến hậu đá mới với niên đại khoảng 3.000-4.000 năm.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, từ các giá trị sử liệu của các di tích ở vùng lòng hồ thủy Điện Sơn La, tỉnh Điện Biên cho thấy dọc đôi bờ sông Đà trong quá khứ cách đây hàng vạn năm đã có con người cư trú, mặc dù sống rải rác ở đôi bờ sông, trên thềm cổ sông Đà nhưng giữa họ đã có sự liên kết thành các bộ lạc với từng cụm, từng nhóm di tích.

Và từ những liên kết ban đầu, mang tính xã hội ấy là nhân tố đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và có sự thống nhất để sau đó trở thành văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam...

Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử thì những di tích, di vật khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La cần phải được quan tâm đi sâu nghiên cứu, khai thác như vậy mới có thể làm rõ hơn nữa đặc thù văn hóa vùng, khu vực và quá trình diễn tiến văn hóa tiền sử miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh các nền văn hóa tiền sử khác ở Việt Nam, Nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Được biết, dự án khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ lòng hồ thủy điện Sơn La được triển khai tại ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và đến nay mới chỉ có tỉnh Điện Biên hoàn thành kế hoạch do dự án đề ra.

Hiện nay, ở Điện Biên, việc bảo quản, giữ gìn và phát huy các giá trị của hiện vật gặp một số khó khăn nhất định mà thể hiện rõ nhất là việc thiếu kho, nhà trưng bày, cũng như cán bộ quản lý có nghiệp vụ chuyên môn.../.

Mạnh Thành (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục