Thủ tướng kết luận về quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội

Hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Đồ án cần làm rõ định hướng phát triển Vùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh giáp Vùng thủ đô Hà Nội liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa đặc trưng, quốc phòng-an ninh.
Hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu xem bản đồ điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu Đồ án cần làm rõ định hướng phát triển Vùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh giáp Vùng thủ đô Hà Nội liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa đặc trưng, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị và khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu tính toán cho nhu cầu của từng tỉnh và cho cả Vùng, sắp xếp bố trí theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, cần có quy hoạch xây dựng để quản lý không phát triển tràn lan, bố trí hợp lý, phù hợp với hệ thống giao thông không tập trung bám các trục đường giao thông gây ách tắc giao thông; đồng thời rà soát, cập nhập số liệu mới nhất về hệ thống khu đại học, bệnh viện theo tuyến Trung ương và địa phương trong Vùng, tính toán hiệu quả sử dụng, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo nghiên cứu bố trí khu xử lý rác thải theo hướng tập trung, bảo đảm hiệu quả; lựa chọn vị trí, địa điểm xử lý rác thải cho Vùng tại các khu vực thích hợp, không ảnh hưởng đến dân cư; nghiên cứu tính toán, có chính sách theo hướng có lợi cho khu vực, địa điểm có khu xử lý rác thải; quy hoạch nghĩa trang của Vùng theo hướng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, ưu tiên phát triển mô hình nghĩa trang công viên, khuyến khích theo công nghệ hỏa táng.

Nghiên cứu hình thức giao thông trên cao, giao thông ngầm để chống ùn tắc

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống đường bộ có tính quyết định cho Vùng Thủ đô trong quá trình phát triển. Trong Đồ án quy hoạch xây dựng Vùng cần nghiên cứu bổ sung quy định các hình thức giao thông trên cao, giao thông ngầm để giải quyết giao thông đô thị và chống ùn tắc ở cửa ngõ vào Thủ đô, bổ sung vị trí cầu qua sông trên đường Vành đai 5, tăng cường mối liên kết với các địa phương trong Vùng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu khảo sát hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, đánh giá theo từng tuyến cần thiết để lập dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn và hình thức đầu tư khác nhau, trong đó khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư để thực hiện.

Hệ thống sân bay của Vùng cần được nghiên cứu bảo đảm phát triển kinh tế và quốc phòng-an ninh, trong đó cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khai thác và mở rộng theo quy hoạch hàng không được duyệt; sân bay quốc tế Cát Bi-Hải Phòng sẽ là sân bay dự phòng cho sân bay quốc tế Nội Bài; chưa đề xuất nghiên cứu vị trí sân bay dự phòng ở tỉnh Hà Nam.

Thu hút nguồn lực phát triển

Về chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Vùng cần được nghiên cứu theo tiềm năng thực tế của từng địa phương trong Vùng, bao gồm các nguồn lực từ đất đai, ngân sách Trung ương, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và các nguồn lực xã hội khác. Cần có sự thống nhất về cơ chế chính sách giữa các địa phương trong Vùng để tận dụng được tiềm năng tổng hợp của các địa phương; các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành liên quan lập quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều chi tiết trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh bổ sung chức năng sử dụng đất, tạo điều kiện khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển kinh tế, xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục