'Hoàng đế' Donald Trump và dấu chấm hết của ngoại giao tự do

Trên thực tế, những hành động vốn thường bất cẩn của ông Trump lại có thể mang đến tiến triển đối với các cuộc xung đột có vẻ như khó giải quyết như giữa các nước Arab và Israel.
Ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ rời chuyên cơ Không lực 1 tại Harlingen, bang Texas ngày 12/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ rời chuyên cơ Không lực 1 tại Harlingen, bang Texas ngày 12/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, ngày 11/12/2020, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, tuyên bố Mỹ sẽ công nhận chủ quyền của Maroc đối với khu vực tranh chấp Tây Sahara.

Đây rõ ràng là một phần thưởng cho quyết định của Maroc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Hành động này của cựu Tổng thống Trump nhanh chóng bị lên án là "sự vi phạm trắng trợn" những nguyên tắc ngoại giao.

Tuy nhiên, với cách tiếp cận dễ dãi của ông Trump đối với các cuộc xung đột kéo dài đã vô tình làm nổi bật một điểm quan trọng: Cách tiếp cận ngoại giao phổ biến hiện nay không hề thông minh, như vị Hoàng đế "khỏa thân" trong truyện cổ tích Bộ quần áo mới của Hoàng đế.

Thật vậy, Tổng thống Trump đã "khỏa thân" khi đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật tại diễn đàn quốc tế, khẳng định đã đạt được bước đột phá trong quan hệ với Triều Tiên hoặc khoe khoang về "kế hoạch hòa bình" gây nhiều tranh cãi ở Trung Đông.

Song, chưa từng có một người tiền nhiệm nào ở Mỹ hay ở các nước khác giải quyết được các cuộc xung đột trên thế giới dù vẫn tuân thủ các quy tắc ngoại giao được đánh giá cao.

Những quy tắc ngoại giao này liên quan chặt chẽ đến trật tự thế giới tự do xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Học thuyết “trách nhiệm bảo vệ” (R2P) hay còn gọi là bản cam kết của thế giới là minh chứng rõ ràng cho ngoại giao tự do.

Học thuyết này được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua năm 2005 nhằm bảo vệ người dân khỏi nạn diệt chủng, tội phạm chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và các tội phạm chống lại loài người.

Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, học thuyết này không còn phát huy hiệu quả nữa. Tại Libya, quốc gia đầu tiên mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép can thiệp quân sự dựa trên học thuyết R2P, các đặc phái viên Liên hợp quốc thay nhau làm nhiệm vụ giám sát tiến trình hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này.

Thế nhưng tương lai của quốc gia này lại được quyết định bởi các cường quốc bên ngoài hành động đơn phương. Và với một Hội đồng Bảo an bị vô hiệu hóa, học thuyết R2P không còn được viện dẫn để giải thích cho hành động can thiệp quân sự mặc dù đã xảy ra không ít hành động tàn sát quy mô lớn do các chính phủ tự xưng tại Libya gây ra.

Thất bại liên tục của hệ thống an ninh tập thể của Liên hợp quốc có thể một phần do sự suy giảm sức mạnh của chính trật tự thế giới tự do.

Từ rất lâu trước thời kỳ Trump, Mỹ đã trở nên ngày càng do dự đóng vai trò là "người bảo đảm" trật tự thế giới tự do đó (tại Libya, Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ 'dẫn đầu từ phía sau').

Những lý do khác gây ra sự thất bại nói trên là chủ nghĩa xét lại đầy hung hăng của Nga, Trung Quốc từ bỏ thuyết “trỗi dậy hòa bình” và mối bận tâm của Liên minh châu Âu (EU) về sự sống còn của chính họ.

Tuy nhiên, phần nhiều trong số những thử thách ngoại giao lớn nhất thế giới, từ cuộc xung đột Israel-Palestine tới tranh chấp khu vực Tây Sahara, đã tồn tại trước khi các lý do trên xuất hiện.

Ngay cả khi những thách thức ngoại giao to lớn nhất của thế giới lên đến mức đỉnh điểm thì đường hướng ngoại giao tự do cũng không thể giải quyết được những thử thách này, chí ít là vì đường hướng ngoại giao tự do thường coi nghệ thuật quản lý đất nước là loại hình nghệ thuật biểu cảm, hoàn toàn xa rời với thực tế luôn thay đổi.

Ví dụ, tranh chấp lãnh thổ ở Tây Sahara có lẽ là cuộc tranh chấp kéo dài nhất ở châu Phi.

'Hoàng đế' Donald Trump và dấu chấm hết của ngoại giao tự do ảnh 1Các đại diện của Maroc và Israel tại lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Rabat, Maroc ngày 22/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi năm 1975, khi Tây Ban Nha nhượng lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này, Tòa án Công lý Quốc tế đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara và phán quyết rằng người dân địa phương Sahrawis được quyền tự quyết định quyền của họ đối với khu vực này.

Thế nhưng, Maroc đã nhanh chóng xâm chiếm và sáp nhập lãnh thổ khu vực này. Kể từ đó, tình hình đã thay đổi đáng kể.

[Quan hệ bí mật giữa Maroc và Israel trước khi có bước đột phá lịch sử]

Tây Sahara là một trong những khu vực lãnh thổ thưa dân nhất trên thế giới với chỉ khoảng 70.000 cư dân sinh sống tại đây vào năm 1975 và có lẽ có khoảng 550.000 người tính đến thời điểm hiện tại, với diện tích chỉ bằng một nửa diện tích của Tây Ban Nha.

2/3 dân cư ở đây là người Maroc, nhiều người đã chuyển đến đây sau cuộc sáp nhập.

Trong trường hợp này, phán quyết trao cho người bản địa ở Tây Sahara quyền tự quyết là phán quyết không rõ ràng. Một cách tiếp cận thích hợp hơn, vốn phản ánh thực tế của khu vực này, là trao cho Tây Sahara quyền tự trị bên trong Vương quốc Maroc.

Đây chính là kế hoạch mà Tổng thống Trump đã thông qua. (Hồi năm 2013, Tổng thống Obama cũng đã đưa ra quyết định tương tự trong bản tuyên bố chung với Quốc vương Muhammed đệ lục của Maroc).

Việc giành được quyền kiểm soát chính trị của một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bằng cách thay đổi nhân khẩu học của vùng đó không có gì mới lạ.

Ví dụ, khoảng 600.000 người Israel đang sống ở khu Bờ Tây cùng với 2.750.000 người dân Palestine. Iran đã liên tục đưa người Hồi giáo dòng Shi'ite của mình đến sinh sống tại những khu vực rộng lớn của Syria.

Gần 46 năm kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm vùng Đông Bắc của quần đảo Cyprus, sau gọi là Cộng hòa Bắc Cyprus của Thổ Nhĩ Kỳ, những người khai hoang từ Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng một nửa số dân của vùng lãnh thổ này.

Việc chấp nhận những hành vi như vậy không bao giờ được phép xảy ra. Nhưng phớt lờ những hành vi đó cũng không giúp ích gì.

Khi các bên tranh chấp ở trong tình trạng lấp lửng về mặt ngoại giao kéo dài, việc coi thường cán cân quyền lực thực tế hoặc sự tồn tại dai dẳng của tình trạng tranh chấp chỉ làm kéo dài "tình trạng sự đã rồi" vốn có lợi cho bên mạnh hơn.

Điều này đúng với tranh chấp Maroc-Tây Sahara cũng như cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, một cuộc xung đột mà mong muốn về giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại chỉ là tuyên bố ngoại giao giả tạo nhằm đem lại hòa bình song không bao giờ có thể thực hiện được.

Trên thực tế, khi các nước Arab từ chối thỏa thuận với Israel, họ thường chấp nhận thiệt thòi nhiều hơn.

Người Palestine cũng từ chối thỏa thuận với Israel ít nhất hai lần. Tương tự, Syria cũng rơi vào tình thế khó khăn khi từ chối đề xuất của Israel về việc quay lại Cao nguyên Golan hồi năm 2000.

Hồi năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

[Dư luận phản ứng về việc Israel và Maroc bình thường hóa quan hệ]

Mặc dù sự công nhận nói trên của Tổng thống Trump không tuân thủ luật pháp quốc tế (kể cả nếu ai đó tin rằng Israel có lý do chính đáng trong việc sử dụng vũ lực trong suốt "Chiến tranh 6 ngày" hồi năm 1967), song không thể phủ nhận rằng chính sự thất bại kéo dài của nền ngoại giao tự do đã "mở đường" cho động thái trên của ông Trump.

Và động thái đó chỉ là một phần của xu hướng lớn hơn của các hoạt động sáp nhập đơn phương.

'Hoàng đế' Donald Trump và dấu chấm hết của ngoại giao tự do ảnh 2Quốc kỳ Azerbaijan bay trên nóc một tòa nhà tại thành phố Shusha ở khu vực Nagorny-Karabakh ngày 9/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điển hình có thể kể đến sự tái bùng phát xung đột giữa Armenia và Azerbaijan liên quan tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh.

Cuộc xung đột tái bùng phát này đã kết thúc bằng một thỏa thuận do Nga làm trung gian, trong đó hợp pháp hóa việc Azerbaijan sáp nhập một một phần lãnh thổ Nagorny-Karabakh tranh chấp với Armenia.

Nga đã điều động lực lượng gìn giữ hòa bình đến để giám sát việc thực thi thỏa thuận này. Trong khi đó, nhân viên của Liên hợp quốc thì vắng bóng.

Ông Trump cần phải giải trình nhiều cho hành động của mình về mặt ngoại giao.

Tuy nhiên, trên thực tế, những quy tắc ngoại giao mà ông Trump coi thường đã không giúp giải quyết được những xung đột và tranh chấp kéo dài nhất trên thế giới.

Những hành động vốn thường bất cẩn của ông Trump lại có thể mang đến tiến triển đối với các cuộc xung đột có vẻ như khó giải quyết, đặc biệt là xung đột mang tính thế kỷ giữa các nước Arab và Israel.

Suy cho cùng, chính nhờ ông Trump mà Maroc, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Sudan cùng với Hy Lạp và Jordan đã bình thường hóa quan hệ với Israel.

Ông Trump cũng đóng vai trò trung gian hòa bình giữa các nước thù địch Arab ở vùng Vịnh đang tìm cách phá hoại mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Qatar với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã đúng khi đảo chiều nhiều chính sách của chính quyền ông Trump, song Biden cần làm hết sức để bảo vệ một vài thành tựu ít ỏi của chính quyền tiền nhiệm.

Để khôi phục nền ngoại giao tự do, điều tối quan trọng là làm sống lại mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương, trong đó đòi hỏi EU phải gắn kết chặt chẽ và đoàn kết hơn nữa để tập hợp được sức mạnh cứng mà khối này đang thiếu hụt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục