Quan hệ bí mật giữa Maroc và Israel trước khi có bước đột phá lịch sử

Maroc là quốc gia Arab thứ tư tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel sau hơn 70 năm Israel gần như bị cô lập hoàn toàn về mặt ngoại giao ở Trung Đông.
Quan hệ bí mật giữa Maroc và Israel trước khi có bước đột phá lịch sử ảnh 1Các đại diện của Maroc và Israel tại lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Rabat, Maroc ngày 22/12/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com/jewishexponent.com đưa tin Israel sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Maroc, quốc gia Arab thứ tư tuyên bố sẽ công nhận Israel.

Tổng thống Donald Trump hôm 10/12 đã thông báo về bước “đột phá” này trên trang cá nhân Twitter.

Ông cũng cho biết Mỹ sẽ công nhận chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara, một vùng lãnh thổ ở phía Nam Maroc mà vương quốc Tây Bắc Phi này đã kiểm soát từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

“Một bước đột phá lịch sử khác trong ngày hôm nay!”; “Hai người bạn lớn của chúng ta là Israel và Vương quốc Maroc đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ - một bước đột phá lớn cho nền hòa bình ở Trung Đông,” ông Trump tweet.

[Bình thường hóa quan hệ với Maroc: Thêm một chiến thắng cho Israel]

Maroc là quốc gia Arab thứ tư tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel sau hơn 70 năm Israel gần như bị cô lập hoàn toàn về mặt ngoại giao ở Trung Đông.

Israel đang trong tiến trình (gồm nhiều giai đoạn) thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan.

Trước đó, Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Ai Cập - quốc gia Arab đầu tiên thiết lập hòa bình với nhà nước Do Thái vào năm 1979 - và Jordan, quốc gia đã ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1994.

Giống như phần còn lại của thế giới Arab, Maroc phản đối việc thành lập Israel hồi năm 1948 và không công nhận nhà nước Do Thái này - mặc dù giống như một số quốc gia Arab khác, vương quốc này vẫn duy trì mối quan hệ bí mật với tình báo Israel.

Andre Azoulay, cố vấn của Quốc vương Mohammed VI, là người Do Thái, và quốc gia Bắc Phi này đã mở một trung tâm văn hóa Do Thái hồi đầu năm nay.

Hiện cộng đồng người Do Thái ở Maroc vào khoảng 3.000 người, giảm so với 200.000 người trước khi Israel được thành lập.

Nhiều vùng nông thôn ở Maroc có truyền thống trồng cây etrog từ hàng thế kỷ qua, một loại trái cây họ cam quýt mà người Do Thái sử dụng vào dịp lễ hội Sukkot, và đã xuất khẩu loại quả này sang Israel mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Mặc dù các phương tiện truyền thông đang tung hô về một “bước đột phá lịch sử” giữa Israel và Maroc với công lao lớn thuộc về chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, song trên thực tế, mối quan hệ giữa hai bên đã khăng khít trong nhiều thập kỷ qua, với sự hợp tác trong các lĩnh vực tình báo và quân sự, thậm chí trong đó có cả vụ ám sát một thủ lĩnh phe đối lập.

Theo một bài báo gần đây đăng trên tờ The New York Times, Maroc đã có được vũ khí quân sự tiên tiến và thiết bị thu thập thông tin tình báo cùng với hướng dẫn sử dụng chúng từ đồng minh Israel trong ít nhất 6 thập kỷ qua.

Đổi lại, Maroc đã giúp Israel giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày hồi năm 1967, và được cho là đã cố gắng giúp, nhưng không thành công, cơ quan mật vụ Israel (Mossad) tiêu diệt Osama bin Laden trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Ronen Bergman, phóng viên điều tra của Yedioth Ahronoth, nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Israel, cho biết sự hợp tác này được gọi là “chiến lược ngoại vi.” Nó đã giúp Israel xây dựng mối quan hệ bí mật với các chế độ Arab, nơi họ có thể tìm thấy lợi ích chung - và cả kẻ thù.

Sau khi Quốc vương Hassan II lên nắm quyền năm 1961, mối quan hệ "băng giá" giữa hai nhà nước đã sớm được cải thiện. Hassan đã đảo ngược chính sách cấm người Do Thái di cư đến Israel.

Đổi lại, các đặc vụ Israel thông báo cho Hassan về một âm mưu của thủ lĩnh phe đối lập cánh tả Mahdi Ben Barka nhằm lật đổ Quốc vương.

Thi thể của Ben Barka, được cho là bị Mossad sát hại ở Pháp, không bao giờ được tìm thấy.

Năm 1965, Quốc vương Hassan II đã cho phép Mossad đặt máy ghi âm để nghe lén các cuộc họp và phòng riêng của các nhà lãnh đạo Arab khi họ thăm Maroc, dẫn đến việc Jerusalem nhận được thông tin quan trọng được cho là đã giúp họ ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội 3 nước Arập hai năm sau đó và đánh bại họ chỉ trong 6 ngày.

Trong những năm qua, Israel và Maroc vẫn liên minh chặt chẽ nhưng Quốc vương Mohammed VI không hài lòng với vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến Tây Sahara - một vùng sa mạc nằm dưới sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha từ năm 1884 đến năm 1975.

Quốc vương Mohammed VI đã quyết tâm giành lại lãnh thổ này bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Và tháng 11 vừa qua, Quốc vương Mohammed VI đã phát động một cuộc tấn công quân sự vào vùng đệm do Liên hợp quốc kiểm soát giữa hai bên. Nguy cơ chiến tranh đã cận kề nhưng cho đến nay vẫn chưa xảy ra.

Giờ đây, bất chấp một nghị quyết của Liên hợp quốc công nhận quyền “tự quyết và độc lập” của người dân Tây Sahara và “rất lấy làm tiếc” về sự chiếm đóng của Maroc, Mỹ đã công nhận Tây Sahara là lãnh thổ của Maroc để đổi lấy sự “công nhận” của quốc gia Arab này đối với Israel - một thành tích gây tranh cãi khác cho Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Nhưng Judd Devermont, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, phản đối cái gọi là đột phá do Tổng thống Trump công bố.

Ông nói: “Mỹ đang chà đạp lên các lợi ích của châu Phi để giành thắng lợi ngắn hạn trong chính sách Israel của họ,” và quyết định này “sẽ đặt ra một vấn đề trước mắt cho nhiều quốc gia châu Phi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục