Chế tạo ở châu Á tăng

Hoạt động chế tạo ở châu Á tăng trong tháng Ba

Hoạt động chế tạo ở châu Á tăng trong tháng 3 cho thấy các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của châu lục này tiếp tục hồi phục.
Hoạt động chế tạo ở toàn châu Á tăng trong tháng 3/2013, cho thấy các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của châu lục này đang tiếp tục hồi phục.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn về Sức mua và Hậu cần Trung Quốc, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc đạt 50,9 điểm trong tháng 3/2013, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,8% trong năm 2012, mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng èo uột ở cả thị trường trong nước và các thị trường nước ngoài chủ chốt.

Nhà kinh tế Qu Hongbin của Ngân hàng HSBC (Anh) - thường tiến hành các cuộc khảo sát điều tra tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp nhỏ so với các số liệu chính thức - cho rằng đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn ra, chủ yếu nhờ sự cải thiện dần dần của nhu cầu trong nước.

[Chỉ số PMI tháng 3 đạt mức cao trong vòng 23 tháng]

Chỉ số PMI của nhiều nền kinh tế châu Á trong cuộc điều tra của HSBC đều cải thiện trong tháng Ba, trong đó chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên 50,8 điểm và là mức cao nhất trong 23 tháng qua.

Trong khi đó, Hàn Quốc có chỉ số PMI tăng mạnh nhất trong 1 năm qua, đạt 52 điểm nhờ sản lượng và số đơn đặt hàng gia tăng nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi chỉ số PMI của Indonesia tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua là 51,3 điểm, nhờ số đơn đặt hàng mới và sản lượng gia tăng, thì chỉ số PMI của một nền kinh tế lớn khác ở châu Á là Ấn Độ cũng khá tích cực khi ở mức 52 điểm trong tháng 3/2013, cho dù đây là mức thấp nhất trong 16 tháng qua và giảm so với mức 54,2 điểm trong tháng 2/2013, khi các đợt cắt điện liên tiếp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và kinh doanh ở nước này./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục