Hoạt động xuất, nhập khẩu phải tuân thủ quy định về thuế và phòng dịch

Việc các thuyền chở lúa từ Campuchia về Việt Nam bị “tắc” ở cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là do chủ hàng không đến Chi cục Hải quan để khai báo.
Hoạt động xuất, nhập khẩu phải tuân thủ quy định về thuế và phòng dịch ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Bình/TTXVN)

Sáng 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về thông tin hàng chục thuyền (ghe) chở lúa từ Campuchia về Việt Nam bị “tắc” ở cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang nhiều ngày qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng khẳng định, các hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, thương nhân tại địa bàn tỉnh An Giang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và phòng chống dịch.

Ông Lê Văn Nưng cho biết tỉnh An Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho tất cả các doanh nghiệp cũng như thương nhân khi đến đầu tư, buôn bán trên đại bàn tỉnh An Giang. Tuy nhiên, các hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc các thuyền chở lúa từ Campuchia về Việt Nam bị “tắc” ở cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là do chủ các thuyền chở lúa hoặc chủ hàng này không đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông để khai báo và thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lúa và phương tiện vận tải theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

“Các thuyền chở lúa này muốn thông quan qua cửa khẩu Vĩnh Hội Đông để vào Việt Nam thì phải nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tài công (thuyền trưởng) và những người đi trên thuyền đều phải thực hiện khai báo y tế và cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19.

Vì vậy, nếu muốn thông quan, đi vào địa phận của Việt Nam, các chủ thuyền và chủ hàng phải đảm bảo bố trí tài công (ở phía Việt Nam) thay thế để tiếp tục điều khiển thuyền chở lúa sau khi được thông quan, đi sâu vào địa phận Việt Nam,” ông Lê Văn Nưng cho hay.

[Chỉ đưa hàng lên cửa khẩu Campuchia khi thống nhất quy trình kiểm dịch]

Nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, thuận lợi giữa các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đảm bảo thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các địa phương trong tỉnh An Giang chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Hải quan trong kiểm soát địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Liên quan đến thông tin này, ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (Cục Hải Quan tỉnh An Giang) vào lúc 15 giờ ngày 24/3, tại khu vực gần cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (phía Campuchia) có khoảng 60-70 ghe thuyền chở lúa tươi trọng tải mỗi thuyền từ 10-50 tấn neo đậu.

Nhưng, chưa có người đến khai báo thực hiện thủ tục hải quan, chỉ có một người đến thực hiện thủ tục nhập khẩu mặt hàng lúa. Tuy nhiên, sau khi được công chức hải quan hướng dẫn thủ tục thì người này rời đi và không thực hiện khai báo hải quan.

Nhằm khẩn trương giải quyết ùn tắc tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, Cục Hải Quan tỉnh An Giang đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông bố trí công chức chuẩn bị thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Hoàn, về hồ sơ thủ tục hải quan đối với mặt hàng lúa nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành; trong đó, mặt hàng lúa nhập khẩu phải nộp giấy kiểm dịch thực vật theo quy định và trường hợp không nộp chứng nhận xuất xứ thì hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi (40%) hoặc thuế suất thông thường (60%) theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC và thuộc trường hợp phải nộp thuế trước khi thông quan hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì được thông quan hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Sau khi được lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tuyên truyền, giải thích cho bà con các quy định của pháp luật Việt Nam đối với mặt hàng lúa nhập khẩu, đến sáng 27/3, bà con đã cho thuyền quay lại nước sở tại để bổ sung các hồ sơ liên quan nhằm tránh ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các cá nhân, doanh nghiệp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục