Học giả quốc tế đánh giá về chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước

Chuyến thăm của Chủ tịch nước có ý nghĩa rất lớn đối với cả hai bên trong bối cảnh vào năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, khi đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên mà Singapore đón tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong bài viết đăng trên trang Indo-Pacific Statecraft, Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ, cho rằng chuyến thăm cũng có ý nghĩa rất lớn đối với cả hai bên trong bối cảnh vào năm tới, hai nước thành viên ASEAN này sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bản dịch của bài viết này.

Bên cạnh các vấn đề song phương như thương mại (16,8 tỷ USD vào năm 2020), đầu tư (Singapore có 2.860 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 66 tỷ USD; Việt Nam có 118 dự án còn hiệu lực tại Singapore trị giá 498 triệu USD) và vấn đề đại dịch COVID -19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận cả về các vấn đề quan trọng của khu vực như diễn biến ở Myanmar, Biển Đông, RCEP...

Singapore và Việt Nam đã hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực y tế, bao gồm vaccine COVID-19 (Singapore tặng 22.400 liều vaccine AstraZeneca) và vật tư y tế (Quốc hội Việt Nam tặng Singapore 30.000 khẩu trang và Tập đoàn Vingroup tặng 200 máy thở).

Những nghĩa cử đó được cả hai bên ghi nhận, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến chuyển thông điệp tới ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam với mong được tiếp tục nhận được sự ủng hộ thời gian tới.

Hợp tác quốc phòng và an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất của quan hệ song phương, hai bên đã thiết lập cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Singapore và Nhóm công tác chung về hợp tác quốc phòng trong đó có các vấn đề chiến lược như huấn luyện quân sự, quân y, an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn... được thảo luận để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hai nước.

Trong khi theo đuổi cơ chế song phương, cả hai bên cũng phối hợp trong các cơ chế đa phương trong các sự kiện liên quan đến Hội nghị cấp cao Đông Á EAS, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM Plus...

Đối thoại lần thứ 11 được tổ chức vào tháng 11/2020, các vấn đề khu vực và toàn cầu đã được thảo luận, bao gồm tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các cam kết trong khu vực.

Đối thoại lần thứ 12 được tổ chức vào năm 2021 và hai bên đã nhất trí "tiếp tục hợp tác trao đổi đoàn, đào tạo nhân sự, tư vấn và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động quân sự-quốc phòng của ASEAN, và duy trì lập trường của ASEAN về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế."

Đầu tháng này, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã tham gia Singapore Airshow 2022 trong vòng 4 ngày.

Trong khi các vấn đề song phương sẽ được đề cao trong chương trình nghị, những diễn biến an ninh quốc tế quan trọng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, vốn đã nhanh chóng biến thành cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn với khả năng dẫn đến các hành động thù địch có thể gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu, bao gồm cả ở Đông Nam Á, chắc chắn sẽ được thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục