Học thuyết Trump qua bài phát biểu đặc biệt tại Liên hợp quốc

Dù hay hay dở, Donald Trump cũng đã khiến bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng LHQ trở thành một bài phát biểu ‘đáng phải xem’ trên truyền hình, một sự kiện được bình luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Học thuyết Trump qua bài phát biểu đặc biệt tại Liên hợp quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 ở New York (Mỹ) ngày 25/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/9 đã có bài phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cũng tương tự bài phát biểu vào tháng Chín năm ngoái, những nội dung và thông điệp mà ông truyền tải tại New York vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Liên quan đến chủ đề này, trang mạng thehill.com đã đăng tải bài viết của Harry J. Kazianis, hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Trung tâm Lợi ích Quốc gia (National Interest).

Ông từng là thành viên nhóm chính sách của ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 Ted Cruz và là người phụ trách thông tin chính sách đối ngoại tại Quỹ Heritage, từng là Tổng biên tập tạp chí The Diplomat và là một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Mở đầu bài bình luận, ông viết: “Dù hay hay dở, Donald Trump cũng đã khiến bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trở thành một bài phát biểu ‘đáng phải xem’ trên truyền hình, hoặc là một sự kiện được bình luận sôi nổi trên mạng xã hội.”

Nếu bài phát biểu của Trump hồi năm ngoái đe dọa “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” và chế nhạo Kim Jong-un là “thằng nhóc tên lửa,” đảo lộn nhiều chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ thì nội dung bài phát biểu năm nay lại có vẻ kiềm chế hơn.

Không có bất kỳ lời đe dọa nào về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân, song bài phát biểu cũng hé lộ những nội dung chính sách có thể ảnh hưởng đến trật tự thế giới.

Ông Kazianis bình luận: “Có vẻ như Trump đã có quyết định cụ thể về phạm vi và chiều hướng thực sự của chính sách đối ngoại, xây dựng nên một thế giới quan mà người ta có thể định hình và là thứ mà các bằng hữu cũng như kẻ thù có thể hiểu được.”

"Gây áp lực tối đa,” từng là một trong những chính sách mà Chính quyền Trump vận dụng nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, đã được mở rộng trên quy mô toàn cầu.

Về vấn đề Triều Tiên, Trump nhấn mạnh hai bên đã đạt được nhiều tiến triển, và thậm chí vài ngày trước còn tuyên bố muốn tiến hành một cuộc gặp cấp cao thứ hai với Kim Jong-un, song ông cũng khẳng định các đòn trừng phạt vẫn được giữ nguyên chừng nào Bình Nhưỡng chưa hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa.

[Ông Trump thể hiện thế giới quan kiểu "được-mất" tại Đại hội đồng LHQ]

Ông Kazianis cho rằng có vẻ như đây là một “đề xuất” từ Trump song người ta cũng không nên quá ngạc nhiên nếu quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ trong vấn đề này sớm có những thay đổi.

Nếu Trump thực sự có một cuộc gặp khác với Kim Jong-un, rất có thể một tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên sẽ được đưa ra làm thứ để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, có lẽ là đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon như nước này từng đề xuất.

Trump biết rằng việc gây áp lực tối đa sẽ sớm không còn nhiều tác dụng bởi Trung Quốc, một yếu tố quan trọng đối với sự thành bại của biện pháp này, có thể sẽ sớm dừng việc gây áp lực với Bình Nhưỡng để trả đũa cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trump cũng hiểu rõ rằng hiện ông đang có được những ảnh hưởng lớn chưa từng có, và nhiều khả năng sẽ sớm thúc đẩy thỏa thuận với Kim Jong-un.

Iran cũng được nhắc đến trong bài phát biểu của Trump khi ông ám chỉ điều mà ông xem là một cuộc tấn công nhằm vào chính quyền nước cộng hòa Hồi giáo này.

[Bộ Ngoại giao Mỹ nói Iran "tài trợ khủng bố" hàng đầu thế giới]

Ông xoáy vào bản chất tham nhũng của giới lãnh đạo Iran, kêu gọi người dân Iran, chỉ trích cách mà các nhà lãnh đạo thâu tóm nguồn của cải dồi dào của đất nước, nhiều lần để phục vụ các mục đích riêng và làm suy yếu Trung Đông.

Học thuyết Trump qua bài phát biểu đặc biệt tại Liên hợp quốc ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu, Trump nói rõ rằng nếu Tehran muốn hành động như một quốc gia “xấu xa,” nhất là trong thái độ và các tuyên bố về Mỹ, ông sẽ tiếp tục các đòn trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của quốc gia này.

Trump cũng có những phát biểu cứng rắn về Syria, và có một tuyên bố đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối với quốc gia này.

Ông tuyên bố sẽ đáp trả nếu Damascus "triển khai" vũ khí hóa học. Theo ông Kazianis, việc Trump dùng từ “triển khai” thay vì “sử dụng,” có thể là tín hiệu cho thấy Chính quyền Trump sẽ ngay lập tức tấn công các lực lượng của Syria khi có thông tin về việc Chính quyền Bashar al-Assad vận chuyển các vũ khí này để chuẩn bị cho việc sử dụng chúng, chứ không cần chờ đến khi một vụ tấn công thực sự diễn ra.

Trump cũng không né tránh khi nói về Trung Quốc, thách thức chính sách đối ngoại được xem là lớn nhất mà Mỹ hiện phải đối mặt.

Ông Kazianis bình luận: “Sự tức giận về mức thâm hụt thương mại lên tới 800 tỷ USD, hầu hết là với Bắc Kinh có vẻ như đang khiến Trump vướng vào một cuộc chiến khó có thể dập tắt.”

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Mỹ đã công bố áp thêm khoản thuế đánh vào số hàng hóa trị giá 200 tỷ nhập từ Trung Quốc… Tôi rất kính trọng và yêu mến người bạn của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, song tôi phải nói rõ rằng bất công thương mại là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được… Sự méo mó của thị trường Trung Quốc và cách họ xử lý nó là không thể tha thứ. Đúng như chính quyền của tôi đã thể hiện, nước Mỹ sẽ luôn hành động vì lợi ích quốc gia của mình.”

Ông Kazianis cho rằng bài phát biểu đúng là những gì mà người ta có thể chờ đợi ở Trump, một sự tổng hợp của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi các quốc gia thể hiện chủ quyền và biên giới của mình, song quan trọng hơn cả là một lời giải thích về việc Trump sẽ dùng sức mạnh ngoại giao và quân sự vẫn còn rất mạnh mẽ của Mỹ như thế nào và ở đâu. Ông Kazianis nhấn mạnh: “Thế giới rất cần phải để tâm tới điều này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục