Học trực tiếp trở lại: Trường vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh

Ngay khi học sinh học trực tiếp trở lại, các trường đã lên kế hoạch rà soát và kịp thời bổ sung kiến thức cho các em sau thời gian dài học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Liệt, Hà Nội) đi học trực tiếp trở lại. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Liệt, Hà Nội) đi học trực tiếp trở lại. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng bằng học trực tiếp nên ngay khi mở cửa trở lại, các trường học đã lên kế hoạch rà soát và bổ sung kiến thức cho các em.

Vừa dạy, vừa ôn

Theo cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù kết quả học kỳ một của học sinh toàn trường rất khả quan nhưng không phải vì thế mà nhà trường đã hoàn toàn yên tâm bởi lẽ học trực tuyến không thể bằng trực tiếp.

Vì thế, khi học sinh trở lại trường, đặc biệt với lớp 9, nhà trường đã có phương án rà soát lại kiến thức cho các em, kịp thời phát hiện các nội dung bị hổng để bù đắp.

“Cụ thể, nhà trường sẽ kiểm tra sơ bộ, sau đó chia lớp để ôn tập những phần học sinh chưa vững để đảm bảo các em đạt yêu cầu của chương trình học và với học sinh lớp 9 có thể dự thi vào lớp 10 đạt kết quả tốt,” cô Hà chia sẻ.

Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng việc học sinh đi học trực tiếp trở lại là thời gian vàng để nhà trường có thể cùng học sinh dạy và học thật tốt.

Khẳng định học online là giải pháp tốt trong thời gian dịch bệnh nhưng không thể bằng trực tiếp, cô Hường cho hay trường đã có kế hoạch để giúp đỡ học sinh sau thời gian dài học trực tuyến. Cụ thể, trường sẽ rà soát lại kiến thức của học sinh và kịp thời bổ sung những phần bị hổng nếu có.

“Nhà trường sẽ phối hợp với gia đình để hỗ trợ tốt nhất cho từng em. Sau đó, giáo viên sẽ có các bài kiểm tra nhỏ để tiếp tục phát hiện những nội dung học sinh cần bồi dưỡng để bổ sung cho học sinh,” cô Hường nói.

Học trực tiếp trở lại: Trường vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh ảnh 1Giáo viên sẽ rà soát, bổ sung kiến thức chưa vững cho các em. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cũng theo cô Hường, học trực tiếp là rất quan trọng, thiết thực nhất với học sinh vì ngoài việc tiếp thu kiến thức tốt hơn, các em còn được phát triển về mặt cảm xúc, kỹ năng khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô.

Vừa học vừa bổ sung kiến thức cho học sinh cũng là kế hoạch của Trường Tiểu học Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Loan, trường đã có kế hoạch ngoài việc cung cấp kiến thức mới theo chương trình sẽ cũng có các tiết để củng cố toàn bộ kiến thức đã học trong thời gian trực tuyến. “Khi dạy hoặc kiểm tra, các giáo viên thấy học sinh chưa nắm chắc ở phần nào thì các cô sẽ chủ động lên kế hoạch để củng cố phần đó và ôn tập, giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản để hoan thành chương trình,” cô Loan cho hay.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Thành Công B, dù chưa được đi học trở lại nhưng một trong những điểm đã được trường lên kế hoạch là rèn chữ viết bổ sung cho học sinh lớp 1. Theo cô Hiệu trưởng Lưu Thị Hồng Hạnh, kết quả kiểm tra học kỳ 1 cho thấy học sinh cơ bản đã đọc và tính toán đạt yêu cầu nhưng chữ viết chưa đạt chất lượng như mọi năm. “Đây là điều khó tránh khỏi vì học trực tuyến, dù đã có sự hỗ trợ của công nghệ, các cô vẫn không thể cầm tay chỉnh nét cho các con như học trực tiếp,” cô Hạnh nói.

Không gây quá tải, áp lực với học sinh

Trước khi các trường học mở cửa trở lại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhiều lần nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2022 là phải bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, phải tạm dừng đến trường và học trực tuyến.

Học trực tiếp trở lại: Trường vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh ảnh 2Dù vừa phải dạy chương trình mới, vừa ôn kiến thức cũ nhưng các nhà trường cần linh hoạt để không tạo áp lực cho học sinh. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Trong công điện gửi các Sở giáo dục và đào tạo mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường khi học trực tiếp trở lại cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Nội dung học vẫn tiếp tục các phần cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của bộ phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh các trường tránh gây áp lực, quá tải cho các em.

Theo hiệu trưởng các trường, đây cũng là vấn đề được ban giám hiệu đặc biệt lưu ý với các thầy cô giáo. “Sau thời gian dài phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, sẽ có nhiều khó khăn khi học sinh đi học trực tiếp trở lại do các em sẽ phải làm quen với nề nếp sinh hoạt mới, nội quy mới. Vì vậy, với các nội dung học, trường chỉ đạo giáo viên triển khai đảm bảo yêu cầu nhưng với các hình thức linh hoạt để không tạo áp lực cho học sinh, để các em thực sự cảm nhận đến trường là hạnh phúc,” cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục