Học viện Chính trị HCM kỷ niệm ngày thành lập

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống.
Sáng 25/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (9/1949 -9/2009).

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt biểu dương những thành quả xây dựng, phát triển và đóng góp to lớn của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong suốt 60 năm qua, nhất là trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, phát triển lý luận cách mạng.

Trải qua 60 năm, Trường Đảng Trung ương, nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ của các chuyên ngành lý luận chính trị, khoa học hành chính và một số ngành khoa học xã hội khác.

Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tại học viện đã được trang bị có hệ thống và ngày càng sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trí tuệ, năng lực tư duy và tổ chức thực tiễn, đủ sức đảm nhận các cương vị công tác theo mục tiêu đã xác định và có khả năng phát triển.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt đó, cả nước đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với 40 năm thực hiện Di chúc của Người...

Thực tiễn đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, các địa phương, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lý luận cần có lời giải đáp từ phía các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, trong đó có Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, công chức hành chính, viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các khoa học chính trị và khoa học hành chính. Đây là một bước phát triển mới cả về quy mô, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Học viện cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc để tổ chức thực hiện thật tốt.

Tổng Bí thư đề nghị Học viện đặc biệt quan tâm đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với tư cách là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổng Bí thư chỉ rõ, yêu cầu hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện là phải trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, những vấn đề của khoa học chính trị và khoa học hành chính. Đó là cơ sở rất quan trọng để cán bộ được đào tạo ở Học viện có thể mở rộng, nâng cao kiến thức và trình độ trí tuệ trong quá trình công tác.

Mặt khác, phải hết sức coi trọng trang bị về phương pháp và năng lực tư duy sáng tạo, hướng vào giải quyết những vấn đề bức bách do thực tiễn cuộc sống và những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đặt ra. Tư duy và phương pháp của cán bộ lãnh đạo, quản lý có yêu cầu rất cao so với cán bộ, công chức bình thường. Cần suy nghĩ thấu đáo và thực hành một cách nghiêm túc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa học và hành.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng luôn luôn nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận. Điều đó cần được thể hiện trong toàn bộ chương trình đào tạo và trong từng chuyên đề, bài giảng tại Học viện.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện cần chú trọng tăng cường hơn nữa việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản. Các cán bộ từ các ngành, các địa phương về học tại Học viện cần tranh thủ tối đa thời gian để học tập, nghiên cứu, trao đổi, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, chú trọng rèn luyện về mọi mặt, để khi tốt nghiệp có bước trưởng thành rõ rệt, thật sự là những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm trí tuệ cao, có phương pháp đúng đắn và gương mẫu về mọi mặt, xứng đáng là những công bộc của nhân dân.

Đề cập đến yêu cầu mới trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Học viện, Tổng Bí thư nhấn mạnh, một trong những nội dung cơ bản nhất trong xây dựng Đảng là không ngừng nâng cao nhận thức, tư tưởng và trình độ lý luận của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Trong thời gian tới, Học viện cần có những đóng góp tích cực, xứng đáng hơn vào công tác lý luận của Đảng; cần quan tâm hướng vào việc làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trước mắt là đóng góp vào nhiệm vụ bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Đảng để trình Đại hội XI. Đặc biệt là phải tổng kết lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn Việt Nam, nhất là từ thực tiễn của công cuộc đổi mới.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện cần tập trung tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về hệ thống chính trị, về nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống.

Học viện cần liên kết với các ngành, các địa phương để xây dựng những chương trình, đề án cụ thể. Đội ngũ cán bộ của Học viện phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học những năm tới đặt ra rất lớn và nặng nề, đòi hỏi Học viện cần chú trọng nhiều hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy. Tổng Bí thư tin tưởng rằng trong thời kỳ mới, Học viện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, phấn đấu lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, phấn đấu vì sự nghiệp đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận”.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, giáo sư, tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trước đây, ngày nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trường đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục