Hội Bảo vệ Người tiêu dùng: Cần có định nghĩa chuẩn về nước mắm

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, phải làm rõ khái niệm về nước mắm để người tiêu dùng được cung cấp thông tin một cách minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa.
Sản phẩm nước mắm truyền thống của Phú Quốc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Sản phẩm nước mắm truyền thống của Phú Quốc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" mới đây được công bố đã khiến dư luận “dậy sóng.”

Nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm, điển hình như tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, không thể có thuốc thú y...

Liên quan đến dự thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã có một số trao đổi với VietnamPlus nhằm đưa ra một cách nhìn khách quan và đánh giá cụ thể hơn về vấn đề nước mắm.

[Không để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nước mắm truyền thống]

 - Thưa ông, dự thảo về tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm đã gây không ít tranh cãi trong những ngày vừa qua, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tiếp cận ở góc độ người tiêu dùng, tôi thấy dự thảo có một điểm rất quan tâm đó là việc đưa ra khái niệm. Cụ thể là khái niệm về nước mắm nguyên chất và nước mắm.

Như dự thảo, về phần giải thích thuật ngữ và định nghĩa thì tách ra nước mắm nguyên chất và nước mắm nhưng phần giới thiệu chung về nước mắm lại hòa đồng vào là một.

Thực tế, khái niệm này cũng không đồng nhất với khái niệm được đưa ra tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-16:2012/BNNPTNT về cơ sở sản xuất nước mắm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định, quy chuẩn do cơ quan nhà nước ban hành và bắt buộc phải áp dụng còn tiêu chuẩn chỉ khuyến khích, tự nguyện áp dụng và tiêu chuẩn đương nhiên phải theo quy chuẩn.

Do vậy, ở góc độ người tiêu dùng tôi thấy quy định đưa ra trong dự thảo như vậy có thể gây ra nhầm lẫn.

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng: Cần có định nghĩa chuẩn về nước mắm ảnh 1Quy trình đóng chai nước mắm Phú Quốc được kiểm soát rất nghiêm ngặt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy theo ông có cần phải đưa ra các quy định mới không, hoặc nếu có thêm các điều kiện thì chú trọng hơn đến vấn đề gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Lâu nay người tiêu dùng đã hiểu rõ hơn thế nào là nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, song phải nhấn mạnh, không phân biệt sản xuất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp miễn là cơ sở sản xuất đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng sẽ được phép lưu thông trên thị trường, còn việc mua loại nước mắm nào là quyền của người tiêu dùng lựa chọn.

Có thể thấy, nước mắm truyền thống được sản xuất theo phương pháp lâu đời, có cả một thời gian rất dài để kiểm nghiệm. Thực tế là vẫn chưa có một trường hợp nào bị ngộ độc khi dùng nước mắm truyền thống.

Do vậy, đây không đơn thuần là nước mắm truyền thống nữa mà sản phẩm này đã trở thành văn hóa ẩm thực của Việt Nam, thậm chí rất nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Tôi cũng đã tìm hiểu thì quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, có thể nói là quy trình rất công phu, từ nguồn nguyên liệu được đánh bắt ra sao đến việc ủ chượp theo quy trình nào mới có thể ra được một sản phẩm có hương vị đặc trưng như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Hải...

Không thể cảm quan mà nói nước mắm nào ngon hay không ngon mà điều này phụ thuộc vào thói quen của người tiêu dùng, song điều đáng nói là phương pháp sản xuất của nước mắm truyền thống đã theo quy trình từ rất lâu đời.

Còn việc đưa ra khái niệm như trong dự thảo tiêu chuẩn này thì tôi thấy không ổn, vì so với quy chuẩn trước đó đưa ra đã không đồng nhất, Quy chuẩn chỉ nói nước mắm song Tiêu chuẩn lại đưa ra là nước mắm nguyên chất và thêm cả khái niệm nước mắm. Nhưng trong nước mắm lại định nghĩa nước mắm truyền thống và nước mắm pha các chất phụ gia. Nếu vậy, như định nghĩa này, thì nước mắm công nghiệp nay mai có thể sẽ trở thành nước mắm, đánh đồng nước mắm công nghiệp thành nước mắm truyền thống.

Cần nói thêm rằng, nước mắm công nghiệp cũng không có gì phải băn khoăn khi rất nhiều người lựa chọn vì có thể hợp khẩu vị, hợp túi tiền… và nước mắm truyền thống có độ đạm cao cũng có rất nhiều người tin dùng. Song, dù sản phẩm nào cũng phải thông tin phải công khai minh bạch về thành phần để người tiêu dùng lựa chọn và việc ghi nhãn hàng hóa cũng phải rõ ràng để tránh hiểu sai.

Việc này không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan Nhà nước cũng phải có trách nhiệm để quản lý theo dõi, hay khi ban hành văn bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn để tên đó mà người tiêu dùng không nhầm lẫn.

Do vậy, trong dự thảo này tôi quan tâm đến việc làm rõ khái niệm về nước mắm.

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng: Cần có định nghĩa chuẩn về nước mắm ảnh 2Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang trao đổi với VietnamPlus về vấn đề nước mắm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Ông có nói đến việc công khai, minh bạch, vậy làm thế nào để kiểm soát sản phẩm nước mắm an toàn, nâng cao thương hiệu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Khi nói về an toàn thì nước mắm hay nước chấm nào cũng vậy, việc ban hành quy chuẩn hay tiêu chuẩn phải đảm bảo được an toàn cho người sử dụng và quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc đưa ra những quy định để phòng ngừa rủi ro là cần thiết. Song với quy định mà trở thành rào cản thì cần phải xem lại.

Tôi rất băn khoăn với quy định của dự thảo về việc phải dùng các sản phẩm sáng màu để chứa đựng sản phẩm, cái này trong quy chuẩn cũng không đưa ra, nhất là nước mắm truyền thống được ủ chượp từ những chum hay am bằng sành, trong khi tại Phú Quốc, nước mắm còn đựng bằng thùng gỗ làm từ những cây gỗ rất tốt.

Dù nước mắm công nghiệp hay nước mắm truyền thống, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đầu tiên phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất. Do đó, dự thảo về tiêu chuẩn này cũng cần tiếp thu thêm ý kiến để hiệu chỉnh, bổ sung sửa đổi cho sát với thực tế, quan trọng là tránh việc nhầm lẫn cho người tiêu dùng…

- Nhưng việc đưa ra tiêu chuẩn cũng rất cần thiết, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể nói nước mắm đã trở thành văn hóa ẩm thực của Việt Nam, là quốc hồn quốc túy của Việt Nam và được xuất khẩu đến nhiều nước, vượt qua được nhiều tiêu chuẩn và quy định khắt khe nhất, do vậy chúng ta cần phải tiếp tục phát triển nước mắm truyền thống tránh những rào cản không cần thiết, gây ảnh hướng đến thương hiệu nước mắm của Việt Nam.

Việc ban hành các tiêu chuẩn cần theo hướng góp phần làm cho sản phẩm nước mắm truyền thống ngày càng hoàn thiện hơn, giúp phát triển ngành này, đây còn là lĩnh vực có thể huy động và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động (vì nước mắm truyền thống được sản xuất ở hầu khắp các tỉnh có biển, điều này sẽ kéo theo rất nhiều lao động cho các ngành khác như đánh cá, du lịch)…

- Ông có nhắc đến khái niệm về nước mắm, việc này cần được hiểu cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, cần phải làm rõ khái niệm về nước mắm để người tiêu dùng được cung cấp thông tin một cách minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục