Phục hồi và phát triển du lịch hậu đại dịch theo hướng Xanh, bền vững; xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm lôi kéo khách quốc tế trở lại… là mục tiêu của ngành du lịch thời điểm này. Trong số đó, những hoạt động như Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội 2024 đang diễn ra được lãnh đạo ngành đánh giá cao, bởi tính lan tỏa, kết nối và quảng bá.
Đặc biệt, Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng những sự kiện như hội chợ đã mang đến nhiều cơ hội cho du khách được trải nghiệm những tour, combo dịch vụ du lịch giá ưu đãi giữa bối cảnh giá vé máy máy tăng cao và khó khăn của nền kinh tế.
- Hơn 700 doanh nghiệp từ 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam; 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 450 gian hàng, trong đó có 25% gian hàng quốc tế đang tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội 2024. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của những sự kiện kích cầu như vậy?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trước những khó khăn của nền kinh tế và bối cảnh bất lợi cho sự phát triển của du lịch hiện nay thì những hoạt động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và rất cần những sự kiện như thế này để các doanh nghiệp bán sản phẩm và dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, việc tổ chức các sự kiện như những chương trình phát động về thị trường, các hội chợ, sự kiện về văn hóa-du lịch… là những cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch tới các đối tác bán hàng và đặc biệt là tới các thị trường khách hàng mục tiêu.
Tôi cho rằng quan trọng nhất là những sản phẩm, dịch vụ sẽ được đưa ra chào bán trong các chương trình kích cầu nhằm tạo ra sức hấp dẫn, cuốn hút và lan tỏa rộng rãi. Và Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội 2024 được tổ chức trước giai đoạn cao điểm của mùa du lịch nội địa sắp sửa đến.
Trước bối cảnh rất khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, việc hiện nay các chi phí vận chuyển tăng cao thì thông qua những hội chợ như này sẽ mang đến các cơ hội kích cầu cần thiết nhằm khôi phục hoạt động du lịch trong nước.
Hội chợ VITM Hà Nội 2024: Lữ hành kích cầu, ưu đãi giảm sâu tới 45%
Với vô số hành trình tour trọn gói, Combo vé máy bay kèm phòng khách sạn có mức giảm cao, tiết kiệm tối đa chi phí... các đơn vị lữ hành đã mang đến một không khí sôi động cho VITM Hà Nội 2024.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã thấy rằng du lịch không thể tồn tại bằng thị trường quốc tế mà còn phải phát triển cả du lịch nội địa nữa và hoạt động này được coi là cứu cánh. Thực tế là du lịch nội địa thời gian vừa qua đã thực sự bùng nổ. Kết thúc năm 2023, du lịch Việt Nam đã phục vụ trên 110 triệu lượt du khách trong nước. Năm nay, toàn ngành cũng đặt ra mục tiêu thu hút 110 triệu lượt khách nội địa để đem lại nguồn thu lớn.
- Nhưng thực tế rất nhiều người dân trong nước đang e ngại đi du lịch nội địa, bởi giá vé máy bay quá cao. Vậy trong câu chuyện này, theo ông vấn đề nằm ở đâu và chúng ta cần có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp du lịch trong ngành và các hãng hàng không, các đơn vị vận chuyển, các khu điểm vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú cần phải ngồi lại với nhau và bàn bạc làm sao để có một giải pháp kích cầu trên quan điểm không phải giảm giá mà là tăng thêm trải nghiệm, thêm dịch vụ, thêm chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Với những chi phí dành cho đi lại tăng cao như hiện nay, chúng ta có thể khuyến khích khách du lịch thay đổi các phương án vận chuyển để trải nghiệm những sản phẩm, điểm đến gần trong nước, những nơi có sản phẩm du lịch đã hoàn thiện và đẳng cấp cao mà tôi đánh giá thậm chí chất lượng hơn nhiều sản phẩm ở điểm đến nước ngoài.
- Đó mới là giải pháp cho phía doanh nghiệp, còn về chiến lược phát triển ngành thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn. Đặc biệt vào những mùa cao điểm, để kích thích du lịch trong nước cần phải có những chính sách liên quan tới tài chính, tài khóa. Đơn cử như giảm phí, giảm thuế trong một số thời điểm nhất định để góp phần hỗ trợ và khôi phục hoạt động du lịch trong nước.
- Theo ông, có nên khuyến khích người dân du lịch trong những mùa thấp điểm để kích cầu nội địa hay không?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Chúng tôi cho rằng đây là một xu hướng đúng. Bởi sau đại dịch COVID-19, rất nhiều quốc gia mà trước đây là thị trường nguồn gửi khách tới Việt Nam thì nay họ cũng đã thay đổi chiến lược, chuyển sang khuyến khích hoạt động du lịch trong nước và thu hút khách từ các nước khác đến.
Với Việt Nam, ngay từ khi mở cửa lại du lịch hậu đại dịch, chúng tôi cũng đã phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và cũng đã rất thành công trong thời điểm đầu. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn mới của nền kinh tế, ngành du lịch Việt Nam đang dự kiến sẽ phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Chương trình sẽ tập trung gia tăng trải nghiệm, gia tăng chất lượng và thêm tiện ích cho người đi du lịch, qua đó khuyến khích người dân du lịch nội địa được trải nghiệm các điểm đến mới, những phong cảnh đẹp, những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; từ đó nâng cao lòng yêu nước cũng như góp phần thúc đẩy, khôi phục lại hoạt động du lịch.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!